Lan tỏa trên mạng xã hội: 26 năm nhặt ve chai cưu mang chó mèo hoang

27/03/2023 09:12 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (60 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) sống bằng nghề nhặt ve chai nhưng vẫn cưu mang cả đàn chó mèo hoang.

Từng làm quét rác, thợ hồ, giác hơi rồi nhặt ve chai với thu nhập ít ỏi, nhưng 26 năm qua bà Tuyết vẫn nuôi đàn chó mèo hoang, cho ăn ngày 3 bữa trong căn nhà gần bờ sông Vàm Thuật (P.An Phú Đông, Q.12).

ĐỘC THÂN MÀ KHÔNG CÔ ĐƠN

Căn nhà nhỏ chất đầy ve chai nóng hầm hập giữa trưa, bà Tuyết dáng người nhỏ xíu, nặng chỉ hơn 30 kg, xách chiếc ghế ra bờ ruộng trước nhà ngồi ăn cơm. Xung quanh, mấy con chó được bà nuôi chạy qua lại quấn quýt. Bà Tuyết là dân gốc ở Gò Vấp, nhà có 6 chị em. Năm 1997, cha bán đất, chia cho mỗi người một chút để tự lo cuộc sống. Cầm 3,5 cây vàng, bà đi đò qua sông Vàm Thuật sang khu An Phú Đông mua một mảnh đất rộng, xây căn nhà nhỏ. "Ngày đó, xung quanh đây là sình lầy nên mới có giá đó. Giờ thì nhà cửa đầy hết rồi, nhưng chỗ tôi vẫn như vùng quê, nhà cửa không sát nhau, trước là đồng ruộng, đất trống thoải mái", bà Tuyết nói.

26 năm nhặt ve chai cưu mang chó mèo hoang - Ảnh 1.

26 năm nhặt ve chai cưu mang chó mèo hoang - Ảnh 2.

Ngày ngày đi nhặt ve chai thu nhập ít ỏi nhưng bà Tuyết vẫn vui vẻ cưu mang đàn chó mèo bị bỏ rơi

Bà dáng người nhỏ, lúc nào cũng mặc đồ bộ, tóc búi hai bên, nhiều vết đồi mồi điểm trên làn da ngăm đen của người mưu sinh dưới nắng mưa. Theo lời bà Tuyết, từ 1 con chó ban đầu bà nuôi bầu bạn vào năm 1997, sau đó gặp những con chó, mèo nhỏ bị ghẻ lở hoặc đau ốm bị bỏ vào thùng rác, bà mang về chữa trị rồi nuôi nấng. "Tụi nó đẻ ra thêm nhiều con, có người đi ngang thấy tôi nuôi nhiều nên thỉnh thoảng lại mang chó mèo con tới trước nhà bỏ. Cứ vậy mà thành ra nuôi cả đàn hồi nào không hay. Mà ngộ là nhỏ người ta bỏ, tôi nuôi lớn xong người ta lại bắt thịt mất, nghĩ đau lắm", bà chia sẻ.

Mới đây, bà vừa bị bắt trộm 3 con mèo lớn, mỗi con nặng chừng 4 - 5 kg nuôi mấy năm trời. Nhắc tới, bà lại thở dài: "Chắc số tụi nó tới đó".

Nói về cuộc sống độc thân, "người mẹ" của đàn chó mèo cười: "Ngày trước cũng có người để ý, người đến nhà hỏi nhưng tôi thấy chưa đủ duyên nợ".

HỘ NGHÈO NHƯNG CHÓ MÈO ĂN PHỦ PHÊ

Chỉ vào con Ki với bộ lông xám, mập ú nu, bà giới thiệu nhặt nó về từ thùng rác 9 năm trước. Đến nay, Ki đẻ mấy lứa, lúc nào cũng quấn quýt bên bà và 2 con chó con. "Chó mèo bị ghẻ, tiêu chảy tôi mua thuốc tự chữa, vậy mà con nào cũng khỏi bệnh, sau đó thì lớn lên nhìn mướt mát. Chắc tôi mắc nợ nó quá, không đành lòng nhìn nó còn sống mà bị ruồng bỏ, thôi thì cứu được con nào cứ cứu, xin cơm nhiều hơn một chút là được", bà tâm sự.

Mỗi ngày, bà Tuyết đạp xe về xóm cũ, ghé qua nhà trọ của mấy người em và mẹ già, rồi lại nhặt ve chai, xin cơm thừa về cho "đàn con". Nghề nhặt ve chai mùa rớt giá có khi gom 3 - 4 ngày mới bán được hơn 100.000 đồng, vậy mà bà vẫn nuôi 9 con mèo, 7 con chó, mỗi ngày cho ăn 3 bữa và nhất quyết không bán con nào. Bà bộc bạch: "Chó nhà nghèo nhưng người ta cho đồ ăn phủ phê lắm, đồ ăn qua đêm gì tôi mang về nấu lại cho ăn hết. Còn tôi thì ngày cắm lon rưỡi gạo, ăn với chút rau trồng trong vườn là xong bữa".

26 năm cưu mang chó mèo, bà Tuyết bật mí bí quyết giải quyết "mâu thuẫn nội bộ" là nhốt chó ngoài vườn, cho mèo ăn trước, sau đó mới đến đàn chó. "Con nào nuôi tôi cũng thương, mà giống chó mèo này mình thương nó là nó thương lại. Nếu không bị mất trộm chắc giờ tôi phải có cả trăm con rồi", bà cười nói.

26 năm nhặt ve chai cưu mang chó mèo hoang - Ảnh 3.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND P.An Phú Đông, cho biết bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, sống một mình bằng nghề nhặt ve chai. Năm 2019 bà Tuyết được phường xây tặng nhà tình thương và tặng thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2022 cũng như chăm lo tết. "Về việc cưu mang chó, mèo của bà Tuyết, phường không nhận phản ánh. Chỉ có nhà cửa đồ đạc để nhiều quá, phường có lưu ý dọn dẹp và Đoàn thanh niên phường sẽ hỗ trợ dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường", bà Lan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.