Nhanh chóng vượt qua nghịch cảnh
Trong cửa hàng đồ chơi đã khai trương gần tròn một năm ở TP.Nha Trang, ông chủ Vui tuy không có đôi tay nhưng vẫn một mình quán xuyến hết mọi việc: Từ bày biện, dọn dẹp cho đến đóng gói hàng hóa, hay chốt đơn của khách đặt hàng online. Để thích nghi với cơ thể mới sau khi bị điện giật dẫn đến bỏng nặng, đồng thời lấy lại tinh thần lạc quan, vui sống, Vui mất chưa đến 1 năm.
Hai năm trước, Vui làm nghề bảo trì hệ thống điện trong khách sạn. Trong lần phụ bạn sửa sang mái nhà, anh bị điện giật. Ngoài bỏng nặng, Vui còn gãy 2 xương sườn, dập gan vì ngã từ trên cao xuống. Sau 3 ngày nằm viện, bác sĩ buộc phải cưa tay trái. Nửa tháng sau, cánh tay phải của anh cũng không thể giữ lại. Nằm viện hơn 2 tháng, Vui được về nhà. Trong khi vết thương còn chưa lành hẳn, anh đã tập đứng, tập ngồi để các cơ không bị co rút. "Đi tới đâu, máu chảy tới đó", Vui kể lại thời điểm khó khăn nhất của mình.
Cũng trong lúc này, Vui tình cờ xem được đoạn video về chàng trai Nguyễn Ngọc Nhứt (24 tuổi, ở TP.HCM) trên mạng xã hội. Nhứt cũng bị bỏng, mất đôi tay giống Vui nhưng có thể sinh hoạt như người bình thường. Chưa kể, chàng trai lại luôn nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt khiến Vui vô cùng khâm phục. Lập tức, anh tìm mọi cách liên hệ với Nhứt để nhờ hướng dẫn cách sống cuộc đời không tay. "Thú thật, trước khi biết Nhứt, tôi không thể nghĩ ra cách nào để tự mặc đồ, vệ sinh cá nhân… Nhờ em ấy chia sẻ kinh nghiệm, tôi mới có thể nhanh chóng bắt nhịp, trở lại cuộc sống của một người bình thường", Vui nói.
Dù vậy, Ngọc Nhứt lại chia sẻ rằng mình chỉ là một nhân tố nhỏ trong sự thay đổi của Vui. Điều quan trọng mà chàng trai thấy ở Vui đó là nội lực mạnh mẽ, có ý chí vươn lên trước nghịch cảnh. "Có nhiều người khuyết tật khác may mắn đủ điều kiện hơn nhưng họ vẫn không thể vượt qua nổi bản thân", Nhứt nói.
Ở quê, Vui cũng bắt đầu tham gia nhiều chương trình từ thiện, tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Không ai nói, nhưng anh tự nhận ra, bản thân mình còn may mắn hơn nhiều người.
Ông chủ "siêu hay"
Nghĩ lạc quan là vậy, song lúc nào Vui cũng sợ mình trở thành gánh nặng cho ba mẹ. Vậy là anh quyết định ra riêng, sống một mình. Ban đầu, Vui chưa có ý định sẽ làm gì để kiếm tiền mà chỉ muốn học cách tự lập trong sinh hoạt. Tuy nhiên, vì chưa thể nấu ăn nên tới bữa, anh phải sang nhà người quen ăn cơm. Nghĩ rằng chẳng thể tiếp tục cuộc sống như vậy mãi, Vui "không tay" quyết định thử nấu món ăn đầu tiên.
Đầu tiên anh mua 3 gói mì, lấy 2 gói trụng qua nước sôi, định chắt nước làm món mì xào. Nhưng khi dùng cùi chỏ nghiêng tô thì cả mì và nước cùng trôi hết ra ngoài. "Mất đôi tay hay chịu những đau đớn khi vết thương rỉ máu không làm tôi khóc. Nhưng khoảnh khắc làm đổ hết tô mì tôi rơi nước mắt mà không biết vì sao", Vui bồi hồi kể.
Quyết tâm làm lại lần nữa bằng cách dùng nĩa vớt từng sợi mì ra, anh đã có để thưởng thức được món ăn do chính tay mình làm. Sau đó, anh mở cửa hàng bán đồ chơi trẻ em tại nhà, chính thức trở thành ông chủ sau biến cố cuộc đời.
Trước đây, vì không biết học hỏi từ ai nên Nguyễn Ngọc Nhứt mất gần 2 năm để xoay xở, tìm cách sinh hoạt như người bình thường. Với Nhứt, đó là một khoảng thời gian rất dài. Vì thế, khi biết Vui ra ở riêng, mở cửa hàng buôn bán, Nhứt chỉ biết thốt lên: "Anh ấy siêu hay". Bằng sự hỗ trợ của con dao tự chế, chiếc muỗng gắn vào cùi chỏ. Vui trổ tài vào bếp nấu những món ngon rồi quay nhiều video chia sẻ cách nấu ăn, sinh hoạt thường ngày lên mạng xã hội. "Mong rằng, nếu ai đó tình cờ thấy video của tôi, họ sẽ có thêm động lực để vượt qua những khó khăn đang gặp phải", anh chia sẻ.
Bình luận (0)