Với nhiều người, bỏng gạo không chỉ là món quà mà còn chứa đựng trong đó nhiều kỷ niệm. Ai nấy đều nhớ hình ảnh ngày còn bé được mẹ xúc cho vài lon gạo, túi đường mừng rỡ chạy đến nhà người có máy nổ bỏng. Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh người Việt nổ bỏng gạo ở Nhật gây "sốt" với rất nhiều lượt tương tác.
Anh Nguyễn Văn Quyết (27 tuổi, quê ở H.Thạch Thất, Hà Nội) hiện đang sống và làm việc ở tỉnh Kumamoto, là người đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội. Anh cùng nhóm bạn mua sắm máy nổ bỏng vận chuyển từ VN sang Nhật Bản để tự làm món quà tuổi thơ này. "Do ở Nhật Bản không có máy nổ bỏng nên chúng tôi đành nhờ người ở quê mua và gửi sang. Vì bỏng gạo là món ăn tuổi thơ của nhiều người nên ai cũng hào hứng, góp tiền mua và cùng nhau nổ bỏng vào ngày cuối tuần. Tính ra tiền Việt, máy có giá khoảng 10 - 15 triệu đồng, mỗi người chia nhau góp một ít", anh cho biết.
Cũng theo anh Quyết, quá trình vận chuyển máy từ VN sang không có nhiều khó khăn. Tranh thủ thời gian nghỉ, anh cùng nhóm bạn mượn không gian một xưởng gỗ của người Nhật nằm giữa thung lũng, cách xa khu dân cư và không ảnh hưởng đến người xung quanh để nổ bỏng. Không khí diễn ra vô cùng vui vẻ. "Lúc mọi người nhìn thấy bỏng nổ ra ai cũng thích thú, quay lại khoảnh khắc đó. Ai cũng vui vì cả gần chục năm rồi chưa ăn lại món này. Trong nhóm có một anh làm nghề cơ khí, đồng thời xem video hướng dẫn từ người bán nên cách vận hành máy cũng dễ dàng", anh kể lại.
Ai cũng thích
Cũng theo anh Quyết, thời nghèo khó, món bỏng chỉ có ít gạo và đường. Để món ăn trở nên lạ miệng, nhóm trộn thêm mì tôm, đỗ, trái cây khô… và trộn đều trong thau. Khi nổ bỏng, người trút gạo, người đeo bao tay kéo bỏng và cắt thành từng đoạn đều tăm tắp. Thậm chí, có những người còn mang theo 3 kg gạo đến nổ bỏng. Người bản địa rất tò mò với món ăn này của VN, trong đó có một cảnh sát người Nhật. Vị cảnh sát này còn góp ý với nhóm anh Quyết nếu khi có lễ hội, mọi người có thể làm và bán cho người dân địa phương.
"Khi làm việc ở Nhật, chúng tôi thường giao lưu văn hóa Việt - Nhật với những người xung quanh. Khi nổ bỏng, có một bác cảnh sát đến xem chứ không phải chúng tôi vi phạm tiếng ồn. Mọi người giải thích với bác đó là món ăn tuổi thơ của nhiều đứa trẻ nông thôn ở VN. Bác khen ngon và nói món này có thể chấm với washabi (gia vị của Nhật), ai cũng cười vì nếu chấm như vậy sẽ khá cay", anh nói thêm.
Sau khi video nổ bỏng được chia sẻ, nhiều người có liên hệ nói nhóm anh Quyết kinh doanh để cùng thưởng thức. Tuy nhiên, vì không có thời gian nên nhóm chỉ vận hành để phục vụ nhu cầu của mọi người xung quanh, không có ý định kinh doanh. Anh Trịnh Hiệp (33 tuổi, quê ở Ninh Bình) chia sẻ, ở Nhật có nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo, các hàng quán VN cũng đa dạng mặt hàng.
"Mỗi khi thèm bánh trái ở quê đều có thể mua được nhưng món bỏng gạo này không thể mang sang được. Có lần tôi gọi điện về nhà thấy mấy đứa cháu gọi và khoe mới đi nổ bỏng về nên rất nhớ tuổi thơ của mình. Vì vậy, khi mọi người góp tiền mua máy, tôi đồng ý và cùng làm để người dân quanh khu đó ăn, không ngờ ai cũng thích", anh bày tỏ.
Anh Quyết qua Nhật làm lắp ráp linh kiện 5 năm nay. Những ngày đầu sang xứ sở hoa anh đào làm việc, anh khá bỡ ngỡ nhưng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, anh đã dần quen việc. Sau dịch Covid-19, công việc của anh khá ổn.
Bình luận (0)