Làng bánh tráng 100 năm tuổi Cù lao Mây 'đỏ lửa' đón Tết Nhâm Dần

Nam Long
Nam Long
18/01/2022 11:12 GMT+7

Vượt qua đại dịch Covid-19 , làng nghề bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) đang “đỏ lửa” ngày đêm để đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đặc sản trăm năm

Gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây đang tất bật hối hả. Đây là một trong những làng nghề có tuổi đời hơn 100 năm ở tỉnh Vĩnh Long.

Nhờ phơi được nắng, bánh tráng thanh long lên màu bắt mắt

XUÂN PHÚC

Muốn đến được Cù lao Mây, chúng tôi phải vượt sông Trà Ôn bằng phà Lục Sĩ Thành (nối TT.Trà Ôn và xã Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn). Vừa xuống phà, chúng tôi đã cảm nhận được không khí hối hả cận Tết Nguyên đán. Các xe chở bánh tráng nối đuôi nhau vượt sông mang đặc sản Cù lao Mây đến với người dân trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Thị Thúy Liễu (58 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn) cho biết, bánh tráng đã nuôi sống gia đình 3 đời của bà, từ thời bà ngoại chồng, mẹ chồng rồi đến bà đều làm bánh tráng. Nghề làm bánh tráng và công việc thợ mộc của chồng bà đã nuôi lớn 2 người con ăn học thành tài và yên bề gia thất.

Bà Liễu đang tráng bánh tráng thanh long

XUÂN PHÚC

“Hồi đó, bánh tráng không đa dạng, chỉ có 2 loại là bánh tráng nhúng và bánh tráng mặn (loại dẻo không cần nhúng nước vẫn gói được - PV). Sau này, đi bán bên Cần Thơ, đường sá khó khăn, tôi mới nghĩ đi cực vậy sao không làm thêm nhiều loại khác để người ta mua nhiều hơn. Thế là tôi ngày đêm tìm công thức và sau nhiều lần thất bại tôi đã làm được các loại bánh tráng ngọt và bánh tráng nướng”, bà Liễu chia sẻ.

Chồng bà Liễu đảm nhận việc phơi bánh

xuân phúc

Bà Liễu còn cho biết, theo thị hiếu của người dân sau này, bánh không những ngon mà còn phải bắt mắt. Vì vậy, bà làm thêm bánh tráng thanh long, bánh tráng lá dứa, bánh tráng ớt… nhưng vẫn mang đầy đủ hương vị xưa như nước cốt dừa, mè… “Hồi cao điểm dịch Covid-19, tôi không dám làm nhiều vì đi lại khó khăn, sợ không bán được. Còn bây giờ, cận tết, làm không kịp giao cho khách nữa. Mỗi ngày lò của tôi cho ra thị trường khoảng 500 cái, làm ngày nào bán hết ngày nấy”, bà Liễu nói.

Mỗi loại bánh tráng có thời gian phơi khác nhau

XUÂN PHÚC

Sau khi phơi đủ nắng, bánh tráng được đem vào đóng gói, vỉ cũng được đưa vào chờ mẻ bánh sau

XUÂN PHÚC

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thanh Kiếm (66 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành) cũng có hơn 60 năm làm bánh tráng, cho biết bây giờ tìm nhân công rất khó lắm, bởi dịch ai cũng khó khăn, đi làm thuê hết. Nhà chỉ còn hai vợ chồng ông làm, mỗi ngày ra lò hơn 400 - 500 cái. “Muốn tráng bánh thì nhà tôi phải thức từ 4 giờ sáng tráng đến 9 giờ đêm mới đủ giao cho khách. Có loại không thể tráng sớm được, vì tráng sớm mà trời không nắng kịp là bánh bị bủn, coi như hư”, ông Kiếm nói.

Ông Kiếm thăm mẻ bánh tráng ngọt của mình

XUÂN PHÚC

Theo ông Kiếm, cứ làm việc như vậy, mỗi ngày nhà ông thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng. Tuy cực nhưng đây là nghề truyền thống của gia đình đã giúp ông nuôi 5 người con trưởng thành, thành đạt nên ông không muốn bỏ.

Được nhiều Việt kiều chọn mua làm quà

Vợ chồng ông Kiếm có 5 người con, nhưng không ai chịu theo nghề làm bánh tráng khiến ông lo lắng sẽ thất truyền nghề truyền thống của gia đình. “Tụi nhỏ học hành xong rồi mỗi đứa một nơi làm việc và lập gia đình, không đứa nào chịu theo nghề hết. Nếu sau này tôi mất đi thì coi như hết, vì nghề này cực khổ mà thu nhập cũng không nhiều”, ông Kiếm rầu rỉ nói.

Ông Kiếm và vợ phải thức từ 4 giờ sáng để tráng bánh cho kịp nắng

XUÂN PHÚC

Tương tự, bà Liễu cho biết, 2 người con của bà không ai chịu theo nghề này nên bà cũng lo lắng nghề ba đời không người nối nghiệp “Hai đứa con lớn, mỗi đứa một công việc. Tụi nó thấy tôi và ổng (chồng bà Liễu - PV) thức đêm, thức hôm cực quá còn kêu nghỉ để hai đứa nó nuôi, nhưng tụi tui không chịu. Tui vẫn muốn làm và mong muốn tìm người giữ lửa nghề truyền thống này”, bà Liễu mong muốn.

Bánh tráng thanh long ở Cù lao Mây

XUÂN PHÚC

Bánh tráng mè

XUÂN PHÚC

Ông Lương Văn Thông, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bánh tráng Cù lao Mây, cho biết địa phương có hơn 70 hộ làm bánh tráng, nhưng chủ yếu làm nhỏ lẻ. Bây giờ, thời buổi cạnh tranh, giá cả tăng… nhiều hộ đã bỏ nghề, chỉ còn 15 hộ cố gắng giữ nghề tham gia HTX. “Những hộ tham gia HTX đều là những hộ làm bánh tráng thâm niên, sản phẩm đạt chất lượng và gần đây được nhà nước hỗ trợ máy xay bột, máy cắt bánh, máy hút chân không, xây dựng thương hiệu… và bảo quản sản phẩm. Nhờ đó mà bánh tráng Cù lao Mây đã được đi xa hơn và được nhiều Việt kiều chọn mua làm quà”, ông Thông nói.

Ông Thông cũng cho biết, các hộ làm bánh tráng hiện nay chủ yếu làm thủ công nên giá thành sản phẩm không thể giảm được nữa, không thể cạnh tranh với các sản phẩm làm công nghiệp, chủ yếu là lấy công làm lời và bán số lượng nhiều.

“Ngày xưa, họ cố gắng làm để các con có tiền ăn học được đổi đời nên bây giờ tụi trẻ không đứa nào theo nghề hết. Đây đang là vấn đề nan giải của làng nghề truyền thống bánh tráng này. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ về công nghệ và thay đổi phương thức bán hàng, nhiều hộ làm bánh tráng đã tiếp cận được mạng xã hội, internet nên cũng giúp họ bán được dễ dàng hơn và có thu nhập khá hơn”.

Ông Thông mong muốn làng nghề tiếp tục được giữ lửa và phát triển

XUÂN PHÚC

Giờ đây, bánh tráng Cù lao Mây được nhiều người biết đến. Ông Thông đang cùng các xã viên cố gắng đưa HTX vươn tầm ra khu vực bằng các chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực từ chính quyền các cấp như tham gia các chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP… Thời gian tới, hy vọng làng nghề bánh tráng Cù lao Mây sẽ thay áo mới, đứng vững trên thị trường và quan trọng là các thế hệ trẻ mạnh dạn tham gia, đổi mới, sáng tạo để giữ lửa cho làng nghề truyền thống này không bị mai một.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.