Làng... biệt danh

10/01/2014 09:26 GMT+7

Ở ĐBSCL, có một làng người dân chỉ gọi nhau bằng... biệt danh. Gọi mãi thành quen, riết rồi đến con cháu cũng quên mất tên “cúng cơm” của ông bà, cha mẹ…

 Làng... biệt danh
Trong mâm rượu ngày xuân, người dân Đồng Phú thường nhắc cho nhau nghe chuyện cà rỡn ở làng Phú Thuận xưa - Ảnh: Long Long

Một nét văn hóa đặc biệt  

Câu chuyện có thật 100% này diễn ra ở làng Phú Thuận (ấp Phú Thuận 1, xã Đồng Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long). Ông Nguyễn Hồng Tâm (có biệt danh Tám Đen), một bậc cao niên trong làng, giải thích rằng lúc đầu, người ta đặt biệt danh để ghẹo nhau, ngoài ra còn tránh gọi tên “cúng cơm” của người khác do sợ bị cho là thất lễ. Còn ông Nguyễn Văn Tấn, một trí thức quê gốc ở làng Phú Thuận, cho rằng do trước kia đây là vùng đất khẩn hoang, dân tứ xứ đến tạm cư rồi bám rễ lập làng, lập ấp. Đến thời Pháp thuộc, những người này ngại khai báo tên thật. Còn đối với những người cố cựu, có địa vị trong xã hội thì càng không thể gọi tên tục, vậy là hỗn láo. Cho nên, người trong làng chỉ còn cách đặt biệt danh để phân biệt nhau.

 
Tới bây giờ có ai biết tên thật dì sáu tôi đâu. Trên mặt bả có cái đém nên kêu là bà Sáu Đém. Ông cậu tôi hồi trẻ hay nặn tu na, tu hú chơi nên gọi là ông Hai Tu Na
Ông Nguyễn Văn Tấn

Ở làng Phú Thuận, thông thường bà con đặt biệt danh theo nghề nghiệp, đặc điểm cá nhân, nói lái kiểu “tục giảng thanh” hoặc theo tuồng tích hát bội. Như anh ông Nguyễn Hồng Tâm tên là Bảy Lợi thì được đặt cho biệt danh là Ô Hắc (truyện tàu có tích Ô Hắc Lợi). Sau này gọi Bảy Lợi là Ô Hắc (để tránh tên thiệt) thì ai cũng biết, còn ông Lợi cũng cười khà khà. Hay có ông tên Cung, không biết chữ. Mọi người kêu là ông Quốc Trì (tích tàu có ông Quốc Trì Cung, là người dốt), thấy.... đúng nên ông này cũng chẳng phàn nàn... “Đặt biệt danh sao cũng được, miễn là không đụng chạm nhiều, không làm mất lòng là người ta vui vẻ chấp nhận. Suốt một thời gian dài, cái cách cà rỡn ấy đã trở thành “văn hóa” đặc biệt ở xứ này. Gọi riết rồi quen nên cả làng quên mất tên “cúng cơm” của nhau. Có khi bà con, họ hàng phương xa đến làng xưa hỏi tên thật của người thân, ai cũng lắc đầu ngơ ngác.  Bởi vậy, tới xứ này mà hỏi tên là… vô phương”, ông Tấn quả quyết. Ông Tấn còn dẫn chứng: “Tới bây giờ có ai biết tên thật dì sáu tôi đâu. Trên mặt bả có cái đém nên kêu là bà Sáu Đém. Ông cậu tôi hồi trẻ hay nặn tu na, tu hú chơi nên gọi là ông Hai Tu Na”.

Những phiền toái không ngờ 

Kiểu nói cà rỡn ấy tuy “vui cả làng” nhưng nhiều lúc cũng gây phiền toái vì đời hậu thế không biết tên thật của cha mẹ, ông bà. Chuyện tưởng đùa ấy đã từng xảy ra khiến con cháu và cả chính quyền địa phương cũng “dở khóc dở cười”. Trước đây, ở làng có một ông giỏi chữ nho, biết hốt thuốc trị bệnh lại khá giả tên Lê Văn Nghĩa. Cả làng xem ông là “cây cao bóng cả” nên không dám gọi đúng tên “cúng cơm”. Thấy xung quanh nhà ông trồng nhiều khóm, nên mọi người gọi ông là Hai Khóm. Ông Hai Khóm sinh nhiều con, nhưng chỉ có một người con trai thứ bảy là Lê Văn Lý. Cũng như cha, ông Lý cũng được tránh gọi tên “cúng cơm” nên dân trong làng gọi là Bảy Cuội. Ông Bảy Cuội lấy vợ, sinh 2 người con trai tên là Nguyên và Hiện. Năm 1960, ông Bảy Cuội tham gia kháng chiến. 3 năm sau vợ ông qua đời khi ông vẫn ngoài chiến trường, 2 người con phải sống với ông bà nội và không biết mặt cha. Năm 1965, ông Bảy Cuội hy sinh, nhưng chôn ở đâu không ai biết. 2 người con chỉ nghe gọi cha là Bảy Cuội nên nghĩ cha tên Lê Văn Cuội. Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương kêu 2 người con làm hồ sơ liệt sĩ cho cha. Vậy là toàn bộ tên trong hồ sơ cho đến tấm bằng liệt sĩ đều mang tên Lê Văn Cuội.

Sau này, tình cờ ông Nguyễn Hồng Tâm đọc được một tài liệu cũ, thấy có người tên Lê Văn Lý từng tham gia kháng chiến, hy sinh, có cha là Lê Văn Nghĩa ở địa phương. Từ đó, ông Tâm cất công tìm hiểu và biết rõ liệt sĩ Lê Văn Cuội tên chính xác là Lê Văn Lý. Mộ của liệt sĩ Lê Văn Lý được quy tập về nghĩa trang tỉnh Tiền Giang, cách quê nhà chừng vài mươi cây số nhưng thân nhân không hề biết. “Sau khi xác định đúng danh tính, tôi tìm được mộ ông Lý, tấm bằng liệt sĩ sau đó phải đổi lại đúng tên “cúng cơm”. Chuyện “cà rỡn”, không ngờ tai hại thiệt”, ông Tâm bộc bạch.

Long Long

>> Biệt danh" ca sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.