|
Đã hơn 1 tháng kể từ trận lũ lịch sử xảy ra nhưng người dân tại 2 ngôi làng này vẫn chưa kịp dọn hết số cát do “lũ” thủy điện kéo về. Con đường dẫn về 2 làng này cát ngập khắp nơi. Không khí trở nên ô nhiễm nghiêm trọng vì bụi tung mù mịt. Sau lũ, khoảng 500 bộ đội đã xuống địa bàn tình nguyện giúp dân, nhưng lượng cát trên các tuyến đường vẫn còn rất lớn khiến cho việc lưu thông trở nên khó khăn. Ông Phạm Xê (65 tuổi, trú thôn Đại Mỹ) cho biết: “Khi chưa có thủy điện, cả làng tôi luôn bình yên, có lũ cũng không nhanh như bây giờ. Nhưng từ khi có các thủy điện đầu nguồn, đặc biệt là từ sau năm 2009, lũ năm nào cũng to, người dân sợ lắm. Đợt lũ vừa rồi các thủy điện xả nước một lúc đến 8.000m3/giây. Vì nước ngập mạnh mà cát đã vùi lấp làng”.
Theo báo cáo của UBND xã Đại Hưng, 2 làng Đại Mỹ và Thạnh Đại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ giữa tháng 11 vừa qua do cả 2 làng nằm trong khu vực giáp ranh của các sông Vàng và sông Kôn. Vào đợt lũ vừa qua, các thủy điện gồm An Điềm 1, An Điềm 2 và Sông Kôn “đua nhau” xả lũ khiến hàng ngàn khối đất cát “ùa về” vùi lấp làng. Có nơi, cát ngập đến 1,5-2m. Lãnh đạo địa phương lý giải thêm, thủy điện xả lũ lớn kèm với điều kiện lòng sông hẹp nên dòng chảy đã bị thay đổi. Nước lũ không chảy theo dòng bình thường mà chảy thành dòng mới, nước cùng với đất cát đổ trực tiếp vào làng. Ước lượng cát sau lũ tại 2 ngôi làng này lên đến trên 15.000m3.
Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng cho biết: “Sông đang tàn phá làng, đến mồ mả cũng mất sạch… Chúng tôi đã bố trí mặt bằng di dời 83 hộ dân (310 khẩu) tại 2 làng này tại khu vực Gò Dinh nhưng hiện vẫn chưa đủ kinh phí”. Chính quyền địa phương đề nghị các cấp tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện các hạng mục, các công trình phúc lợi còn lại của khu tái định cư để sớm di dời 83 hộ dân tại 2 ngôi làng này. Ngoài ra, xã Đại Hưng còn kiến nghị các cấp can thiệp để thủy điện thượng nguồn thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc xả lũ gây vùi lấp làng.
Mới đây, tại cuộc làm việc với đoàn công tác T.Ư do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị, cần thiết phải có sự điều hành xả lũ từ cấp tỉnh. Ông Thanh nói: “Xây dựng quy trình xả lũ liên hồ thì các bộ làm nhưng điều hành xả lũ thì để chúng tôi, chứ không chịu nổi”. Theo ông Thanh, để hạn chế lũ từ thượng nguồn, các hồ thủy điện cần tăng dung tích dự phòng và phải chia nhau xả khi có lũ về. UBND H.Đại Lộc cho rằng, trong công tác điều hành xả lũ hiện nay đang thiếu một “nhạc trưởng”. Một lãnh đạo huyện này cho biết, quy trình xả lũ thủy điện các bộ, ngành xây dựng nhưng điều hành xả thì phải là Chủ tịch tỉnh để có sự thống nhất và kiểm soát mức lũ tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc này, Chủ tịch nước chia sẻ trước những lo lắng của người dân và chính quyền địa phương. “Các thủy điện cần tính toán xả lũ không gây thiệt hại lớn như thế này (tức đợt xã lũ giữa tháng 11-PV). Tôi đề nghị tỉnh báo cáo gấp để Chính phủ bàn về vấn đề này. Tỉnh cần khảo sát những hộ cấp bách di dời, tổng thể số hộ cần di dời của tỉnh để làm một lần…”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)