Sau nghề gốm thì nghề giáo là nghề của nhiều người dân làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Hầu hết nhà nào cũng có con em theo nghề gõ đầu trẻ.
>> Làng cổ Phước Tích - Kỳ 2: Sống bằng chữ nghĩa
>> Làng cổ Phước Tích: Làng trường thọ
Hằng năm, Phước Tích chào đón nhiều sinh viên các nơi về nghiên cứu hay thực tế,
nhiều sinh viên là học trò cũ của thầy cô trong làng - Ảnh: Tuyết Khoa |
Hội nhà giáo
Đến ngày 20.11, nếu có dịp ghé Phước Tích, bạn sẽ ngạc nhiên bởi nhiều đoàn học sinh, cựu học sinh tập trung về ngôi làng cổ xinh đẹp nhỏ bé này. Càng ngạc nhiên hơn bởi vào dịp này, dân làng còn tổ chức nhiều hoạt động không kém phần quan trọng như những đại lễ của làng.
Theo thầy Lê Trọng Nam, một bậc cao niên trong làng đồng thời cũng là một giáo viên về hưu, đến ngày nhà giáo, làng thường tổ chức thắp hương tưởng nhớ ở Văn Thánh của làng, đồng thời tổ chức khen thưởng, phát học bổng cho con em học giỏi trong làng và tổ chức những cuộc hội đàm về nghề giáo…
Bởi thế, khác với những làng khác, ngoài những hội đoàn thể thường thấy thì Phước Tích có thêm hội giáo viên với khoảng 50 người đang sinh hoạt. Hội giáo viên là nơi sinh hoạt của những thầy cô giáo đã về hưu và đang dạy học, đang sinh sống trong làng. Hội không chỉ tổ chức những hoạt động ý nghĩa vào ngày Nhà giáo VN mà còn tổ chức những buổi gặp mặt, trò chuyện, tour du lịch để đi tham quan các nơi. “Mỗi năm hội viên đóng 120.000 đồng/người để làm quỹ sinh hoạt. Là đồng nghiệp, là thầy trò của nhau, hội còn là nơi chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm về nghề dạy học...”, thầy Nam nói.
Trong làng, nhiều người gọi nhau là thầy là cô. Nhiều nhà có hai ba đời đều theo nghề giáo. Trưởng làng Hoàng Tấn Minh cho biết: “Làng Phước Tích có 117 hộ dân, kể cả con em trong làng đang dạy các nơi khác thì có đến 300 - 400 người theo nghề dạy học. Đa phần gia đình nào cũng có người theo nghề giáo, có nhà có tới 5 - 7 người. Trong đó, có 20 giáo viên đã nghỉ hưu đang sống ở làng, 40 giáo viên đang dạy học ở địa phương. Hàng trăm giáo viên khác đang công tác tại các trường học ở các tỉnh thành. Ngoài ra, đông đảo con em trong làng hiện đang là sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng sư phạm. Riêng gia đình tui có 5 người con thì hai đứa con trai làm kinh tế còn 3 cô con gái đều học sư phạm”.
Nhất nghề giáo
Một trong những gia đình nổi tiếng về nghề giáo trong làng, có lẽ là gia đình ông Lê Trọng Đào ở gần lò gốm. Ngôi nhà rường 100 tuổi của ông cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học trò và khách du lịch. Ngôi nhà cổ kính ngoài những góc dành để thờ cúng, trưng bày gốm thì sách vở chiếm một góc.
Những cuốn giáo án dù đã ngả màu nhưng vẫn được chủ nhân cất giữ cẩn thận như những kỷ vật quý giá. Cả hai vợ chồng ông Đào đều là giáo viên tiểu học và đã về hưu. Bốn người con của ông cũng là giáo viên, đang giảng dạy tại các trường ở địa phương và TP.Huế. “Việc chọn nghề là tự bản thân mình, dù có gượng ép cũng không được. Bản thân tôi cũng thấy thích nghề giáo rồi theo. Con cái tôi cũng thế. Dù vất vả và không giàu sang gì nhưng với làng này, nghề giáo luôn được đánh giá là nghề cao quý, được nhiều người đam mê nhất”, thầy Đào chia sẻ.
Nhiều thế hệ học sinh trong xã trong huyện mỗi dịp về thăm thầy cô, có khi trùng hợp cả gia đình đều là thầy cô giáo của mình. Với người Phước Tích, được trở thành một người thầy và đứng trên bục giảng là cả niềm tự hào. Ngay cả giai đoạn kinh tế khó khăn cách đây mấy chục năm về trước, nhiều giáo viên các nơi phải bỏ nghề đi làm kinh tế vì không đủ ăn thì dân làng Phước Tích vẫn bám trụ với nghề giáo. Con cháu vẫn theo nghề giáo và xem nghề như nghề truyền thống của làng.
Chị Hoàng Thị Mai, một giáo viên trẻ của làng, chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã có ước muốn trở thành một cô giáo và giấc mơ ấy trở thành sự thật khi tôi thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Gia đình tôi 70% thành viên đều theo nghề dạy học. Tôi luôn lấy điều đó làm tự hào. Hồi còn đi học, mỗi lần làm bài tập không ra thì cứ mang sách vở qua thầy cô bày cho. Đến khi đi dạy, có vấn đề gì về chuyên môn thì cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ thầy cô đi trước...”.
Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết: “Làng cổ Phước Tích tuy có dân số và diện tích không lớn nhưng là một vùng đất hiếu học có tiếng. Đặc biệt, làng này có rất nhiều thế hệ theo nghề dạy học. Hiện nay, các trường học trên địa bàn xã có giáo viên là người Phước Tích đứng lớp khá nhiều”.
Bình luận (0)