Làng cổ Phước Tích - Kỳ 4: Hơn 500 năm lửa gốm

16/04/2015 06:34 GMT+7

Nhà trưng bày gốm của ông Lê Trọng Diễn là điểm tham quan nổi bật hàng đầu tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Có thể nói, 100% khách đến Phước Tích đều đến thăm bộ sưu tập gốm của ông.

Nhà trưng bày gốm của ông Lê Trọng Diễn là điểm tham quan nổi bật hàng đầu tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Có thể nói, 100% khách đến Phước Tích đều đến thăm bộ sưu tập gốm của ông.
Ông Lê Trọng Diễn giới thiệu bộ sưu tập gốm của mình - Ảnh: Tuyết Khoa
Phước Tích vốn được biết với nghề gốm hơn 500 tuổi. Ngoài những sản phẩm gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… gốm Phước Tích còn nhiều cổ vật tinh xảo được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn một thời. Vì thế trong dân gian có câu ca: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”.
Tìm đến lò gốm cổ của làng, chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Trọng Diễn đang tỉ mỉ hướng dẫn một số người làng học làm gốm. Dù ở tuổi 68 nhưng bàn tay của ông vẫn còn dẻo dai khéo léo chuốt từng sản phẩm. Ông đang tham gia hướng dẫn dạy nghề gốm cho thế hệ trẻ trong làng. Lớp học đã khai giảng gần 3 tháng nay. Học viên tuy chưa thuần thục nhưng đã có thể làm những sản phẩm gốm đơn giản.
Câu chuyện về gốm cứ thế được ông Diễn kể lại như chuyện về cuộc đời mình bởi ông gần như gắn bó với những biến động của nghề gốm của làng. Do chiến tranh loạn lạc nên làng gốm bị gián đoạn trong thời gian dài. Sau 1975, HTX gốm Phước Tích được thành lập, hoạt động đến năm 1986 thì đóng cửa. Ông Lê Trọng Cờ, 83 tuổi, chủ nhiệm cuối cùng của HTX gốm Phước Tích cho biết: “Ngày xưa, cả làng ai cũng làm gốm. Gốm vừa ra lò đã có người đến mua. Đêm ngày, tàu thuyền tấp nập. Gốm làng được đưa đi mọi miền đất nước. Trong làng có cả thảy 12 lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói”.
Khoảng năm 1989 nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Lò gốm xưa của làng bị đập. Gia đình ông Diễn cũng nghỉ làm gốm. Thỉnh thoảng ông nhớ nghề thì làm chơi rồi để vào kho lưu niệm, đầy kho thì đặt ngoài sân, ngoài vườn.
Từ khi tắt lửa làng nghề, không chỉ ông mà cả làng ai nấy đều không đành lòng. Bởi thế, từ năm 2006 đến nay, lò gốm đỏ lửa trở lại với nhiều dự án phục hồi gốm Phước Tích nên ai cũng phấn khởi. Đến năm 2009, hai mẻ gốm đầu tiên được hoàn thành và tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2009, đánh dấu sự trở lại. Năm 2009, đề tài Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích với sự tham gia của Trường đại học Nghệ thuật Huế và những người thợ làm gốm tại làng Phước Tích được thực hiện. Sau 2 năm, dự án đã thành công với cuộc triển lãm hơn 250 sản phẩm gốm Phước Tích tại Trung tâm văn hóa Phương Nam, Huế. Hiện tại, gốm Phước Tích đang được đa dạng hóa mẫu mã cũng như họa tiết. Dòng sản phẩm thiên về trang trí sử dụng lò nung bằng gas, còn lò nung củi chủ yếu để phục vụ du lịch.
Bà Lương Thị Bê, một nghệ nhân được gọi bằng cái tên “mệ gốm” - là một thợ gốm giỏi cho biết: “Từ lúc lò gốm đỏ lửa trở lại, khi mô cũng có ông Diễn ở đây. Ngày xưa, cả làng này ai cũng làm gốm. Ông Diễn cũng là thợ giỏi. Chừ thế hệ như tui hay ông Diễn thì chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật cho mấy đứa nhỏ . Thấy chúng nó làm được cái gì thì mừng cái đó”.
Gốm từ nhà ra ngõ
Nếu có dịp ghé nhà của ông Diễn sẽ thấy rõ tâm huyết của ông với nghề gốm tổ tiên. Trong ngôi nhà, gốm có mặt khắp nơi từ ngoài sân đến tận trong nhà, từ những chiếc lu chậu được trưng bày ngoài vườn đến bộ tách trà, chén uống nước… Đặc biệt, ông dành trọn ngôi nhà rường của gia đình để trưng bày hàng trăm sản phẩm gốm của làng. Các sản phẩm được sắp xếp khoa học, chi tiết và đầy đủ. Hầu như sản phẩm nào của gốm Phước Tích cũng có ở đây như chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, lu… Từng loại lại được phân ra nhiều sản phẩm. Chẳng hạn, lu có các loại lu quê, lu gác an, lu gác độc, lu trùng bèn, lu gác chậu, lu đồng trình, lu tam trình, lu thống mạc ngài… Nhiều sản phẩm có niên đại hơn trăm năm trong đó có chiếc om dành cho vua ăn, gọi là om ngự. Ông Diễn kể, ngày xưa làng Phước Tích chuyên làm om ngự. Tương truyền, các vua nhà Nguyễn ngày xưa dùng hai om ngự mỗi ngày. Om ngự ăn xong thường được đập vỡ, mỗi bữa cơm là một om mới.
“Trước đây, tôi đóng mấy cái bàn để kê gốm, thỉnh thoảng phải lau chùi không thì bụi bặm. Nhưng cách đây ít năm, Tổ chức Jica của Nhật Bản thấy thế nên đã cho tôi vài cái tủ kính để trưng bày vừa đẹp, vừa sạch… Nên giờ mới tươm tất thế này”, ông Diễn khoe.
Nhà trưng bày là một địa điểm hút khách tham quan khi đến với làng cổ. Câu chuyện về làng gốm cũng được ông truyền tải với nỗi niềm tự hào thời hưng thịnh lẫn pha chút buồn thời tàn lụi. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích thì chủ nhân bộ sưu tập gốm với lòng yêu nghề, yêu quê hương đã luôn luôn làm mới không gian của ngôi nhà bằng mô hình trưng bày dụng cụ của nghề làm gốm, xây dựng mô hình thu nhỏ của lò nung gốm xưa bằng đất (lò sấp và lò ngửa). Ông Diễn cũng thường xuyên làm sản phẩm như bình vôi, om… để nung từ các lò của mình. Bên cạnh đó, ông còn hợp tác với ban quản lý làng cổ nung con tu huýt tặng khách làm quà lưu niệm, vừa quảng bá sản phẩm gốm, vừa tăng thu nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.