Nơi đây cũng là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với 4 danh nhân văn hóa VN và nhiều nhà khoa bảng khác. Hiện nay, làng có 3 bảo vật quý đã được công nhận là Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP).
Tìm hiểu về ngôi làng cổ được hình thành từ giữa thế kỷ 15 này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được thấy hệ thống nhà thờ của các dòng họ nhiều đến thế trong một làng. Những công trình cổ kính này hầu hết đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đặc biệt trong ngôi làng còn có nhiều bảo vật như mộc bản, sách cổ, sắc phong... quý giá.
Giai thoại về làng cổ
Theo giai thoại về làng Trường Lưu, vào giữa thế kỷ 15, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Huy là cụ Nguyễn Uyên Hậu từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám đã về vùng Lai Thạch xưa (nay là xã Kim Song Trường) khai thôn, lập ấp. Cụ Hậu nhận thấy 3 làng Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng ở đồng trũng, dân vất vả quanh năm, mà vùng đất cách đó độ dăm trăm mét cao ráo có cơ hội phát triển nên đã đề xuất với người dân ở 3 làng chuyển về đây lập làng, đặt tên là Trường Lưu.
Làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường) ngày nay |
PHẠM ĐỨC |
Sau quãng 100 - 150 năm, nhiều vị thủy tổ của các dòng họ khác như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Trần Văn... đã về làng Trường Lưu lập nghiệp. Đến giữa thế kỷ 18, dòng họ Nguyễn Huy đã đến thế hệ 10 - 11, các họ khác cũng đã dăm bảy đời, các vị cùng dân làng xây dựng Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa lớn ở VN thời bấy giờ với nhiều di tích, danh thắng và hệ thống đền chùa miếu mạo.
Ông Nguyễn Huy Thiện (78 tuổi, duệ tôn đời thứ 5 Nguyễn Huy Hổ, thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) kể, làng có lịch sử hơn 600 năm, nhưng nổi tiếng khắp nước là từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) về hưu dày công xây dựng làng với 8 cảnh đẹp. Ông lập nên Phúc Giang thư viện rồi mở trường dạy học gọi là Trường học Phúc Giang thu hút hàng trăm sĩ tử trong nam, ngoài bắc. Trường nhanh chóng thu hút rất đông người theo học và đã đào tạo được nhiều người thi đỗ các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình với hàng trăm sinh đồ, hương cống và đặc biệt có trên 30 người đỗ tiến sĩ.
“Nghe các cụ kể lại, thời đó cụ Nguyễn Huy Oánh còn bỏ tiền ra tậu gần 20 mẫu ruộng loại tốt lập ra học điền đầu tiên của nước ta để khuyến khích con em trong họ ngoài làng có điều kiện học hành theo đòi khoa cử”, ông Thiện nói.
Di sản của làng
Theo ông Thiện, mặc dù nhiều miếu, đền, chùa, Trường học Phúc Giang... nay đã thành phế tích, nhưng hệ thống di sản vật thể của làng Trường Lưu hiện tại khá nhiều. Về hệ thống nhà thờ thì ở làng hiện có 37 ngôi, trong đó có nhiều nhà thờ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, hoặc đang lập hồ sơ để xếp hạng...
Cụ thể, 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm các đền thờ: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự (1717 - 1775), Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841); 10 di tích cấp tỉnh là đền thờ Nguyễn Uyên Hậu, mộ Nguyễn Công Ban (1630 - 1711), mộ Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), mộ Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785), đền thờ Nguyễn Huy Vinh (1770 - 1819), đền thờ Nguyễn Duy (Ất Mùi - 1895)…
Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) cho hay, xưa nay Trường Lưu còn được coi là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014). Ngôi làng nhỏ bé này cũng là cái nôi của Hồng Sơn văn phái mà đỉnh cao là hai tác phẩm Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự) và Mai đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ). Riêng Hoa Tiên là tác phẩm mở đầu cho truyện Nôm bác học ở VN, còn Mai đình mộng ký là truyện đầu tiên trong lịch sử nước ta cốt truyện do người Việt tự nghĩ ra. Đặc biệt, trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, có đến gần 300 câu lặp lại nguyên tác của truyện Hoa Tiên.
Không chỉ vậy, Trường Lưu còn gọi là “làng đỗ” với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Tấm bia đá trong đình làng Trường Lưu ghi danh 30 người con của làng đỗ tiến sĩ ở thế kỷ 18, 19 và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao. “Từ hàng chục năm nay, Trường Lưu có rất nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cấp tướng. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của các bậc tiền nhân, ngày nay cũng nhiều gia đình có 4 - 5 con đều đỗ đại học”, Giáo sư Mỹ chia sẻ.
Giáo sư Mỹ tự hào rằng, làng Trường Lưu gần đây khá nổi tiếng trên thế giới với các di sản tư liệu, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. 3 di sản đã được ghi vào danh mục Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang, sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ và Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ 17 - 20). Cả ba di sản tư liệu này hiện được trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (trụ sở của UBND xã Trường Lộc cũ), đang thu hút khách tham quan. (Còn tiếp)
Bình luận (0)