Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi

14/08/2024 07:00 GMT+7

Làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, H.Đan Phượng, Hà Nội) lâu nay nổi tiếng với lễ hội diều, là lễ hội từ ngàn năm mang đậm bản sắc văn hóa của nền văn minh lúa nước gắn với phong tục thờ thần Châu Thổ.

Từ lễ hội làng

Tương truyền rằng, thú chơi diều tại làng Bá Dương Nội gắn với câu chuyện về tướng Nguyễn Cả, một vị tướng thời nhà Đinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã từ quan về làng, dạy nhân dân trồng trọt, chăn nuôi và mở nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội thả diều.

Tướng Nguyễn Cả chỉ cho nhân dân lựa chọn tre bánh tẻ phơi nắng, giã lấy nhựa sung, nhựa quả cây cậy, dán giấy gió vào khung đã căng dây giúp cánh diều đón gió bay lên.

Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi- Ảnh 1.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm với tình yêu diều sáo

TUẤN MINH

Ở Bá Dương Nội còn có Miếu Diều linh thiêng, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Hằng năm, cứ vào rằm tháng ba âm lịch, người dân trong làng tụ tập đông đúc tại đây để dâng lễ tổ nghề, xin khai xuân, mở hội thả diều.

Không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, lễ hội diều làng Bá Dương Nội còn là lễ hội cầu tạnh. Giải thích về ý nghĩa của lễ hội này, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm cho biết, sau mùa đông ẩm ướt, cây lúa chiêm bắt đầu phát triển khi nắng lên, gió mạnh xen lẫn mưa rào vào cuối xuân, đầu hạ. Năm nào nắng cao, gió sớm, tiếng sáo diều kêu hay thì năm ấy mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh.

"Hơn cả một lễ hội, những cánh diều sáo được người dân nâng niu, gìn giữ, coi trọng như một truyền thống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của riêng vùng đất này", ông Kiêm nói.

Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi- Ảnh 2.

Người dân làng Bá Dương Nội vẫn giữ truyền thống chơi diều tới ngày nay

TUẤN MINH

Theo ông Nguyễn Hữu Kiêm, một con diều hoàn chỉnh cần 2 bộ phận là diều và sáo. Để làm "xương diều", cần chọn loại tre già, tre bánh tẻ "xương" cứng, dẻo, bền mà không nặng. Giấy làm diều thời xưa thường là giấy dó và sử dụng chất kết dính là nhựa quả cây cậy đem giã nhỏ, chắt bỏ bã, giữ lại thứ nước sền sệt như nước vo gạo đem phết lên giấy. Khi khô, giấy chuyển sang màu nâu, cứng cáp và không thấm nước.

Dây diều xưa được tuốt từ tre non, sau đó cho vào luộc với muối và hạt quả thầu dầu. Sau 6 tiếng, chúng trở thành loại dây dẻo và dai, được nối lại với nhau.

Tiêu chí chấm thi là diều phải làm bằng tre, không có đuôi và sải cánh dài 2 m2 trở lên. Diều có 3 sáo, áo diều sẫm màu. Diều càng bay cao, càng đứng diều thì giải càng lớn. Vì vậy, chủ diều đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để làm ra con diều sáo thật hoàn chỉnh, phục vụ ngày lễ truyền thống hằng năm.

Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi- Ảnh 3.

“Xương” diều là một trong những bộ phận quan trọng quyết định sự thành công của chiếc diều sáo

TUẤN MINH

Để làm ra một con diều đẹp đã khó, làm ra bộ sáo hay còn khó gấp nhiều lần. Ống sáo làm từ tre già chẻ dọc, tạo nên các tay tre dài, mỏng tùy theo kích cỡ chủ diều mong muốn. Hai mặt sáo được bịt bằng gỗ vàng tâm bởi độ nhẹ và cho ra tiếng sáo cao, do đó, không phải ai làm diều cũng có được bộ sáo để đời. Ngoài các kỹ thuật chế tác cơ bản, người làm sáo cần hiểu về kỹ thuật âm thanh, khả năng thẩm âm.

"Diều sáo Việt Nam đặc biệt ở chỗ, ngoài thấy được cánh diều hình thoi, ta còn nghe được tiếng sáo vi vu trên trời", ông Kiêm phân tích.

Đến địa chỉ văn hoá

Nhiều năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều sáo truyền thống xã Hồng Hà, ông Nguyễn Hữu Kiêm rất tự hào về thú chơi diều của làng mình.

Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi- Ảnh 4.

Dân chơi diều sáo lâu nay vẫn có câu: “Người chơi diều cả đời không có bộ sáo hay”

TUẤN MINH

"Gia đình tôi đến nay đã 5 - 6 đời chơi diều, ông cha chú bác đều là những người chơi có tiếng ở địa phương. Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước, ông cụ nhà tôi đã phục hồi lại lễ hội thả diều ở đây. Từ năm 2004, câu lạc bộ thả diều được thành lập, tôi làm chủ nhiệm suốt từ đó đến thứ bảy tuần rồi thì đại hội và chuyển giao lại cho thế hệ trẻ", ông Kiêm chia sẻ.

Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã có quyết định đưa lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng hội diều làng Bá Dương Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng đầu năm nay, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 2982/QĐ-UBND công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội là nghề truyền thống.

Câu lạc bộ Diều sáo xã Hồng Hà còn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa, 3 hội viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, 1 hội viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Làng diều sáo hơn ngàn năm tuổi- Ảnh 5.

Những con diều sáo được chủ diều đầu tư nhiều thời gian và công sức thực hiện

TUẤN MINH

Nói về phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lễ hội diều, ông Kiêm cho hay, mỗi người dân làng Bá Dương Nội đều ý thức việc gìn giữ giá trị văn hóa qua từng cánh diều. Mỗi nhà, mỗi người đều tự học cách làm diều, chơi diều; câu lạc bộ luôn mở nhiều lớp học trải nghiệm làm diều sáo vào mùa hè cho học sinh, sinh viên, khách du lịch... Lễ hội thả diều ngày càng được đầu tư và tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến với làng diều.

Trong tương lai, làng diều Bá Dương Nội sẽ được công nhận là địa chỉ du lịch văn hóa của Chính phủ. Câu lạc bộ Diều sáo truyền thống xã Hồng Hà động viên các hộ gia đình cùng tham gia làm diều, một phần là để trưng bày, quảng bá văn hóa tới khách tham quan làng diều, nhưng sâu xa hơn là một cách để gìn giữ, tiếp nối văn hóa, truyền thống làm diều tới thế hệ sau.

Cứ vào ngày 15.3 âm lịch, người dân làng Bá Dương Nội nô nức tổ chức hội thi diều tại sân đền thờ thần Châu Thổ với ý nghĩa lan tỏa những giá trị văn hóa, những truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.

Phần lễ được bắt đầu từ chiều 14.3, các cụ trong làng đã sớm bao sái sạch sẽ ngôi đền để thực hiện nghi thức tế lễ tuyên sắc vào buổi tối. Tới 12 giờ trưa hôm sau, các chủ diều ăn mặc chỉnh tề, trình diều lên ban thờ báo cáo tổ thần để buổi chiều bắt đầu vào hội thi.

Trước đây, lễ hội thả diều chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng vài năm trở lại đây, dân làng tổ chức thêm 1 buổi thi diều cho các thiếu niên vào chiều trước đó. Đây cũng là dịp để những người trẻ trong làng thể hiện đam mê, tài năng với bộ trò chơi nghệ thuật truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.