Làng hoa khát nước sạch

16/01/2015 10:29 GMT+7

Nhiều năm qua, mỗi khi mùa khô đến, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố Hòn Bồ, làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) luôn chịu cảnh thiếu nước sạch, phải dùng nước ao, hồ tưới rau để sinh hoạt.

Nhiều năm qua, mỗi khi mùa khô đến, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố Hòn Bồ, làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) luôn chịu cảnh thiếu nước sạch, phải dùng nước ao, hồ tưới rau để sinh hoạt.

Làng hoa khát nước sạch
 Nhiều hồ nước đục ngầu như thế này được bà con dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả sinh hoạt hằng ngày - Ảnh: G.B
Ông Nguyễn Cho, bí thư chi bộ tổ dân phố Hòn Bồ, đưa chúng tôi xuống khu vườn rau cách nhà ông khoảng hơn 300 m, chỉ tay vào hai hồ nước đục ngầu, nói: “Nhà tôi và khoảng 7 hộ nữa đều dùng nước từ hai hồ này để sinh hoạt đấy”. Hai hồ trên rộng chừng trên dưới 100 m2, nằm lọt thỏm giữa các vườn hoa, xung quanh cỏ mọc um tùm, nước trong hồ đục ngầu.
Sống ở đây 25 năm, bà Nguyễn Thị Uyển (74 tuổi), cho hay, lâu nay gia đình bà và mọi người đều dùng nước dưới mấy cái ao đó. “Mùa mưa thì hứng nước mưa sử dụng nên còn đỡ, chứ mùa khô thì vất vả lắm. Có những năm, nước hồ cạn khô phải đi mua nước ở những hồ xa hơn và sắm ống dây dẫn về hồ rồi dùng”, bà Uyển cho biết.
Ông Hoàng Văn Hồng (50 tuổi), kể khổ: “Biết là nước không đạt chất lượng nhưng cũng phải dùng, con cái bị bệnh đường ruột liên tục, làm được bao nhiêu đồng đều “đưa” cho bác sĩ cả. Hằng năm, khổ nhất là vào dịp tết Nguyên đán, cao điểm của mùa khô, nhưng nước thì không có. Nếu không mưa thì 29, 30 tết phải huy động can, xô, thùng, bể chứa rồi đi xin nước về đổ đầy và dùng tiết kiệm sao cho qua mồng 10 tết rồi mới đi xin lại chứ tết mà đi xin nước người ta kiêng kỵ lắm. Bây giờ kinh tế gia đình đỡ tí nên đi mua nước suối (loại bình 12 lít) về để nấu cơm, pha trà, còn lại tất tần tật đều sử dụng nước ao, hồ”.
Ba năm trước, gia đình chị Trần Thị Huệ (34 tuổi) đã thuê người về khoan giếng, nhưng khoan cả 40 m mà không có giọt nước nào nên thôi, đành sử dụng nước ao sinh hoạt. Tuy nhiên thấy nước ao cứ ngày càng đục, gia đình chị Huệ làm liều bỏ ra gần 40 triệu đồng để khoan giếng mới. Lần này khoan sâu hơn 70 m và đã có nước nhưng đang trong quá trình khử đục chứ chưa biết chất lượng nước như thế nào.
Theo ông Nguyễn Cho, tổ dân phố Hòn Bồ được hình thành cách đây 27 năm, hiện có 105 hộ dân với hơn 530 nhân khẩu. “Bà con ai cũng dùng nước sinh hoạt như vậy cả, gần đây có nhiều hộ tổ chức khoan giếng nhưng chỉ có 8 hộ thành công (trong đó có hộ chị Huệ). Tuy nhiên, ngành y tế địa phương cũng đến lấy mẫu nước kiểm nghiệm và hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn nước sạch nhưng bà con cũng phải dùng. Trước đây có một vị lãnh đạo thành phố nói sẽ khoan cho tổ mấy cái giếng nhưng đợi hoài không thấy đâu. Chúng tôi cũng kiến nghị lên địa phương và nhà máy nước, nhưng nhà máy nước họ khảo sát và nói vùng này cao quá nước máy khó đến được, nếu để cho có nước máy thì phải đầu tư trạm bơm tăng áp nhưng sẽ tốn rất nhiều kinh phí, khó khăn lắm”, ông Cho nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Nam, bí thư Đảng ủy phường 12, cho hay việc bà con ở đây gặp khó khăn về nước sinh hoạt là có thật. “Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các đơn vị chức năng nhưng chưa giải quyết được. Sắp đến chúng tôi sẽ làm việc với các ngành liên quan để tìm hướng giải quyết, trước mắt có thể xây dựng bể chứa, còn lâu dài cần phải có nước máy. Riêng việc khoan giếng của bà con, chúng tôi cũng khuyến cáo không nên làm, bởi vùng đất này là chân đồi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng, làm cạn kiệt hệ thống nước ngầm dễ gây sụt đất rất nguy hiểm”, ông Nam cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.