Ca sĩ Thiên Thanh:

Lắng hồn nghe giọng Huế hát nhạc Phạm Duy

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
02/11/2023 11:21 GMT+7

Buổi chiều cuối thu hanh nắng, gặp lại nữ ca sĩ Thiên Thanh trong phòng tranh của một họa sĩ trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Thật bất ngờ, chị vẫn trẻ như ngày nào và vẫn “say” âm nhạc, nhất là những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Tôi gặp nữ ca sĩ Thiên Thanh hai lần trước dịch Covid-19, dễ chừng lần đầu cũng đã 8 năm, trong sinh nhật của một người bạn tổ chức tại quán cà phê của chị trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), và lần gặp thứ hai cách đây 4 năm, trong buổi ra mắt tập thơ Thuyền viễn xứ của nữ sĩ Huyền Chi tại quán Văn (Q.Phú Nhuận). Lúc ấy, nữ ca sĩ diện chiếc áo dài tự cắt may và tự vẽ rất đẹp, chị đã hát truyền cảm bản nhạc Thuyền viễn xứ của Phạm Duy, phổ từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Huyền Chi.

Lắng hồn nghe giọng Huế hát nhạc Phạm Duy  - Ảnh 1.

Ca sĩ Thiên Thanh trong tà áo dài do chị tự cắt may và vẽ mẫu

NVCC

Và bây giờ là lần gặp thứ ba, để cùng bàn luận kế hoạch hỗ trợ người bạn họa sĩ chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh tại Huế. Vẫn với phong thái quý phái, nền nã của một cựu nữ sinh Đồng Khánh năm nào, chị tươi cười nhắc về những ngày đã qua. Đó là một câu chuyện khiến tôi bật ra ý nghĩ viết bài này, mà theo tôi, ấy là một “nữ sĩ” nhạc và họa vẫn thanh thản ung dung và hết sức an nhiên sống với ấp ủ những gì mình say mê theo đuổi.

Quả thật khó tin khi ca sĩ Thiên Thanh tiết lộ mình sinh năm 1955, mà tôi ngồi nhẩm tính, mới hay nay chị đã bước qua tuổi 68. Một cuốn phim hồi tưởng những đoạn đời qua chuyện kể đậm chất Huế của chị, từ khi mới 12 tuổi (năm 1967), chị đã hát trên làn sóng của Đài phát thanh Huế, cho đến bây giờ hằng đêm vẫn hát ở phòng trà D.N trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Hơn nửa thế kỷ, qua bao biến động đời sống, ca sĩ Thiên Thanh vẫn bền bỉ theo đuổi một dòng nhạc, mà theo chị là “rất khó hát”. Đó là những bản nhạc mà giai điệu, tiết tấu đòi hỏi một công phu khổ luyện, bền chí đam mê. Như các bản Dạ lai hương, Đà Lạt trăng mờ (phổ thơ Hàn Mặc Tử), Đưa em tìm động hoa vàng, Kỷ niệm… của Phạm Duy; Hương xưa, Lệ đá xanh của Cung Tiến; Mùa thu cánh nâuCô đơn của Nguyễn Ánh 9

Chị bật máy và qua âm thanh tần số thấp của chiếc di động, dòng chảy mượt mà của những bản nhạc đã từng một thời đưa tên tuổi của nữ danh ca Thái Thanh lên đài danh vọng, bây giờ qua giọng hát của ca sĩ Thiên Thanh, nghe cũng lắng cả hồn.

Lắng hồn nghe giọng Huế hát nhạc Phạm Duy  - Ảnh 2.

Ca sĩ Thiên Thanh vẫn giữ niềm say mê với âm nhạc, đặc biệt là các sáng tác của Phạm Duy

NVCC

Này đây khúc dịu dàng của Dạ lai hương hay có lúc tiết tấu dồn dập trong bản Serenade của Franz Schubert được Phạm Duy chuyển ngữ, nghe tha thiết cả một vùng chiều trước con hẻm thoảng tiếng chớp cánh của bầy bồ câu. Chị nói: “Nhạc Phạm Duy có những bản rất khó. Nhưng khó hát nhất là với người ở các vùng khác, ngoài giọng Bắc. Với giọng Huế, để thể hiện được cái hồn của nhạc Phạm Duy, không thể không luyện thành thục. Vì vậy, mình đã tập “rất dữ” mới hát được như thế. Đặc biệt, dù gì đi nữa, nguyên tắc khi hát của mình là phải tròn vành rõ chữ và nhất là những đoạn luyến, hay lên cao khúc, phải chuyển tải cho được cái ý, cái tình của nhạc sĩ”. Chị ngưng lại một chút, rồi tỏ bày: “Ví như khi hát bản Tình cầm của Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm, lúc đầu ngay chữ “nếu” trong câu đầu tiên: “Nếu anh còn trẻ như năm cũ, sẽ đón em về sống với anh…”, mình phải tập đến mấy tháng mới dám lên sân khấu hát. Vì với giọng Huế, khi phát âm, chữ “nếu” thường hay có thêm một âm tiết là “i”, thành ra là “niếu”. Một bản nhạc hay như thế, mà ngay chữ đầu tiên đã bị “phô”, thì quả rất đáng tiếc”.

Nữ ca sĩ Thiên Thanh thể hiện nhạc phẩm Đưa em tìm động hoa vàng của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư

Đó chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn con chữ mà Phạm Duy viết ra, hay phổ từ thơ (hoặc tứ thơ) của các thi sĩ. Nên khi nghe chị hát và nghe chị nói, tôi bỗng hình dung ra nếu không có một sự rèn giũa lao khổ, không dễ gì thành ra vậy được. Vì chị là người con của Huế và lớn lên với mạch nước dòng Hương, mà cách phát âm ca từ trong các bản nhạc, là một quy tắc nhất thiết phải tôn trọng sự tiệm tiến, đi từ “âm” đến “hưởng”, mới đạt đến độ chuẩn hóa âm hưởng trong ngữ âm tiếng Việt, bất kể khi nào và hát ở đâu.

Rồi chị mở đến hai tuyệt phẩm của Phạm Duy phổ thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư: Đưa em tìm động hoa vàngGọi em là đóa hoa sầu. Những đoạn cao vút như “Sông này đây chảy một dòng thôi, mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông…” hay “Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn (áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn). Bóng ai cắp rổ (cắp rổ) lên cồn (lên cồn) hái dâu (hái dâu) rồi hạ xuống đột ngột “lên cồn hái dâu”… hay những đoạn khúc thổn thức như “Chim ơi chết dưới cội hoa, tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà…”, rồi “Ẩn lan ơi em dỗi em hờn, ẩn lan ơi em dỗi em hờn, ẩn lan ơi như những cơn buồn…”, chị đã hát như… rút ruột rút gan. Một cách thể hiện các nhạc phẩm khi nghe, khó thể không liên tưởng đến nữ danh ca trứ danh Thái Thanh khi xử lý một số đoạn nhạc cao, thấp một cách tài tình, khổ luyện.

Lắng hồn nghe giọng Huế hát nhạc Phạm Duy  - Ảnh 3.

Ca sĩ Thiên Thanh thời đang là nữ sinh Đồng Khánh (Huế)

NVCC

Ca sĩ Thiên Thanh kể, chị rời Huế vào Sài Gòn năm 1998. Trong suốt bao năm ấy, chị đã từng hát qua nhiều phòng trà nổi tiếng, rồi tự xuất tiền túi tích cóp để làm 3 lần live show (trong đó có một lần được tổ chức tại Nhà hát TP.HCM năm 2012, phần lớn là nhạc Phạm Duy) và lần ấy được nhạc sĩ Phạm Duy rất tán thưởng. Trong tiếng đàn piano của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc sinh thời, chị đã bay bổng cùng những giai điệu say mê, hát một cách tận hiến với khán giả yêu thích giọng hát của mình. Và từ những đêm nhạc ấy, công chúng thưởng thức càng hiểu rõ hơn niềm đam mê ấy, đã giúp chị hát thành công nhiều ca khúc của Phạm Duy, dù ngày thường chị vẫn phát âm bằng giọng Huế.

Nữ ca sĩ Thiên Thanh thể hiện nhạc phẩm Serenade của Franz Schubert, lời Việt của Phạm Duy

Cũng bao năm qua, ca sĩ Thiên Thanh ngày thì vẽ mẫu áo dài, những mẫu áo dài duyên dáng rất Huế, rất truyền thống. Rồi chị dành thời gian rảnh rỗi vẽ tranh cho tự mình và bạn bè thưởng thức hoặc thỉnh thoảng cùng phối hợp triển lãm. Khi đêm về lại đến phòng trà, đem thanh âm giai điệu những tình khúc vượt thời gian đến với ai yêu giọng hát của chị.

“Nốt” lại câu chuyện về những “lát cắt” dằng dặc nửa thế kỷ thú vị với ánh đèn sân khấu, chị Thiên Thanh nâng ly và cười nhẹ: “Cũng là cuộc chơi thôi mà. Cái chính là làm được điều gì mình thích, mới có ý nghĩa”.

Cái triết lý đơn giản như vậy về đời sống, qua chị bỗng nhẹ bâng, mà vô cùng thấm thía!

Sài Gòn, ngày đầu tháng 11.2023

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.