Lặng im khi đồng nghiệp cướp công chốn công sở?

Thái Thanh
Thái Thanh
15/10/2024 09:32 GMT+7

Bị đồng nghiệp cướp công và chiếm lấy thành quả lao động, không ít người rơi vào trạng thái chán nản, mất động lực làm việc. Điều này còn khiến cho không khí ở môi trường công sở nặng nề, độc hại, ảnh hưởng tới tập thể công ty.

Lợi dụng, chiếm đoạt công sức lao động, đánh cắp ý tưởng, “nhận vơ” thành quả không phải do mình tạo ra… Với những đồng nghiệp có tính xấu như thế, nên bấm bụng bỏ qua hay đối đầu thẳng thắn? 

Khi thực hiện khảo sát nhỏ này với 10 người lao động dưới 35 tuổi, có đến 70% chia sẻ rằng họ đã từng chọn cách im lặng khi bị cướp công vì muốn giữ hòa khí. 30% còn lại thì sẵn sàng lên tiếng, báo cáo với cấp trên để lấy lại công bằng cho chính mình.

Chiêu trò cướp công trắng trợn

Anh Nguyễn Trung Nghĩa (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên tại một công ty công nghệ chia sẻ, trong môi trường làm việc, những nhân viên trẻ và mới đi làm như anh thường rơi vào tình huống này.

“Lúc mới đi làm, tôi cũng nhiều lần bức xúc vì bị đồng nghiệp làm lâu năm cướp công một cách trắng trợn. Nguyên nhân có thể do tôi nhỏ tuổi, chưa có kinh nghiệm và chưa có tiếng nói trong nhóm. Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó mình có kể cho chị đồng nghiệp kia nghe về ý tưởng sự kiện, dự kiến sẽ trình bày với sếp trong buổi họp đầu tuần. Nhưng chẳng ngờ, chị ấy đã sử dụng ý tưởng của tôi, kết hợp với một số thay đổi nhỏ rồi đề xuất làm. Tệ hơn nữa là chị ấy rủ người khác làm chung, gạt tôi ra khỏi sự kiện năm đó”, anh Nghĩa kể lại.

Nhiều người mất động lực làm việc, chán nản vì bị đồng nghiệp cướp công

Nhiều người mất động lực làm việc, chán nản vì bị đồng nghiệp cướp công

ẢNH: THÁI THANH

Anh Nghĩa cho hay, bản thân anh cảm thấy rất khó chịu, bực bội vì chất xám của mình bị ăn cắp trắng trợn. Anh nói: “Tôi có tìm đến hỏi chuyện chị đồng nghiệp nhưng chị lại chối cãi. Nói rằng ý tưởng này chị đã có từ trước, và cố gắng chỉ ra những điểm khác của chị ấy. Tôi thật sự rất thất vọng vì mình đã quá ngây thơ, tin tưởng sai người”.

Anh nói hành vi cướp công của đồng nghiệp thường xuất phát từ lòng tham, sự đố kỵ, cạnh tranh và nỗi lo “mất chỗ”. Thông thường khi có người mới vào, những người cũ cũng sẽ có tâm thế lo lắng vị trí của mình bị lung lay nếu người mới thể hiện tốt, có nhiều thành tích.

Làm gì khi đồng nghiệp “nẫng tay trên”?

“Nếu chẳng may bị đồng nghiệp cướp công, chúng ta nên bình tĩnh, đừng giận quá mất khôn. Những phản ứng giận dữ nhất thời đôi khi sẽ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Tranh cãi nảy lửa, gây hấn nhiều ngày cũng không phải là cách ứng xử hay. Thay vào đó, tôi nghĩ mình nên giữ bình tĩnh, nếu thỏa thuận, nói chuyện trực tiếp không ổn, hãy tìm sự hỗ trợ của cấp trên”, chị Phương Vy (24 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên tại một công ty truyền thông nói.

Đồng quan điểm, anh Thiện, đại diện nhân sự công ty thương mại - dịch vụ ở TP.HCM cho biết: “Trong những trường hợp này, tôi nghĩ các bạn nên có cách xử lý bình tĩnh, thông minh. Nếu kết luận người khác cướp công của mình, ít nhất cũng nên có bằng chứng chứng minh điều đó nếu muốn làm sáng tỏ vụ việc. Cấp trên khi đưa ra phương hướng giải quyết cũng phải có cơ sở chứ không thể buộc tội bất kỳ ai”.

Anh Thiện nói thêm, khi đi làm, đồng nghiệp là người ta tiếp xúc thường xuyên, cận kề nên khó tránh khỏi những mâu thuẫn. Nếu lỡ bị đồng nghiệp cướp công, chúng ta cũng đừng nên quá tuyệt vọng. Vì người thật sự có năng lực sẽ luôn có cách để thể hiện, chứng minh với sếp, với công ty. Cách tốt nhất để thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình và nhận được sự công nhận từ mọi người là tiếp tục cố gắng, hoàn thành tốt công việc của mình, có những đóng góp thiết thực cho công ty. Đừng quá thất vọng, chán nản mà tự làm ảnh hưởng tới chính bản thân mình. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.