Nằm trên QL1, xã Lộc Bổn (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi trội với những ngôi nhà khang trang. Thế nhưng, trong những ngôi nhà ấy, rất hiếm thấy bóng dáng của người trẻ, bởi đa số họ đã sang Lào làm ăn.
|
Xây nhà to rồi sang Lào ở trọ
Trong một chuyến công tác tại Savannakhet (CHDCND Lào), chúng tôi đã có dịp gặp những người Lộc Bổn đang vất vả mưu sinh tại Lào. Đa số đàn ông, thanh niên làm thợ xây dựng còn phụ nữ theo nghề “neo”- làm móng tay, móng chân và buôn bán rong. Tại chợ Savannakhet, tôi gặp vợ chồng chị Liên người xã Lộc Bổn. Chị Liên cho biết, hai vợ chồng chị qua đây bán áo quần đã hơn ba năm.
“Ba đứa nhỏ của chị đang ở bên quê với ông bà ngoại. Buổi sáng chị bán chợ ni, buổi chiều chị bán chợ Samaki. Chợ Samaki cách đây khoảng 5 - 7km. Ở đây kiếm tiền khổ nhọc lắm. Nhưng do đồng tiền bên ni về Việt nó gấp gần 3 lần nên hai vợ chồng chắt chiu thì về quê cũng được số tiền kha khá”, chị Liên nói. Tỉnh Champasak, có lẽ là nơi tập trung người Việt làm ăn, sinh sống đông nhất trên đất bạn Lào. Cả khu chợ Đào Hương, khu chợ lớn nhất ở Pakse của một Việt kiều, chúng tôi vô cũng ngạc nhiên khi thấy gánh hàng đậu hũ, một món ăn đặc trưng của người Huế, đó là gánh đậu hũ của chị Hà, 45 tuổi, quê cũng ở xã Lộc Bổn. Một lúc sau, có một người phụ nữ đến chỗ chị Hà. Tay trái xách giỏ mực, và xô trứng.
Tay phải xách một xô than nóng. Miệng vừa cười vừa nói: “Em tìm được phòng rồi chị ơi. Chỗ cũ vừa nóng, vừa đắt, lại không an toàn. Chỗ ni cũng gần chỗ chị. Khi mô buồn hay nhớ nhà, chị qua em chơi”. Đó là chị Yến. Nhìn dáng người gầy đen của chị không ai ngờ chị mới 32 tuổi. Nhìn chúng tôi, chị nói: “Người Huế à! Chị cũng là người Huế đây, ở xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc. Nắng quá nên ế quá! Ngồi một chút cho đỡ mỏi chân thôi, thấy trật tự thì lo mà đi gấp. Ngày mô cũng ri đây, đạp xe khắp chài nai nước, ngõ ni qua ngõ khác, chợ ni qua chợ khác. 10 giờ đêm về tới nhà là rã chân luôn”, chị Yến than thở.
|
Mặt trời đã lặn, cái nóng đỡ gay gắt hơn. Dì Hương, một người bán quần áo nhỏ ở chợ dẫn chúng tôi về khu trọ của mình ở xóm Tân Phước. Dì kể, dì Hương và chồng qua đây đã gần 10 năm. Con cái ở với bà nội. Chồng làm thợ hồ. Bình thường, chồng đến chở hàng về, nhưng hôm nay, ông phải làm thêm nên dì phải tự gọi xe về nấu cơm trước. Ngồi trong căn phòng nhỏ, dì Hương vừa nấu thức ăn vừa nói: “Phòng này thuê của một người Lào. Mỗi tháng một triệu hai tiền mình đó. Vợ chồng đứa em gái chị cũng ở gần đây. Hai đứa nó mới qua năm ngoái. Chồng làm thợ hồ, vợ làm móng. Con bé cũng sắp về Việt Nam lại rồi. Nó về Việt sinh nở, chứ hai tháng sau là sinh rồi. Xóm này có mấy nhà cho thuê. Khu này tương đối an toàn. Chứ nhiều khu khác cũng phức tạp lắm”.
Làng vắng bóng người
Rời Champasak, chúng tôi trở về thăm xã Lộc Bổn, đi vào các thôn, không khí thật vắng. Ông Lê Văn Khương, Chủ tịch xã Lộc Bổn, cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm, xã Lộc Bổn rất nghèo. Trong làng, có người sang Lào làm ăn, trở nên giàu có. Thấy vậy, dân làng cũng đổ sang Lào kiếm sống bằng các nghề thợ xây, thợ mộc, lái xe, buôn bán... Người đi trước dẫn dắt người đi sau, dần dần gia đình nào trong làng cũng có vài ba người đi Lào. Ai cũng đi quanh năm và chỉ về quê vào dịp tết. Trong làng, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều hộ đóng cửa đi cả gia đình. Cả xã có có gần 5.000 người đi làm ăn ở Lào”.
Anh Nguyễn Văn Hóa (sống tại thôn Hoà Vang, xã Lộc Bổn), một người từng lao động nhiều năm tại Lào, chia sẻ: “Gia đình tôi, mấy anh em ai cũng đi Lào làm ăn. Sau nhiều năm làm thuê làm mướn, tôi dành dụm một ít tiền về quê mở ga ra sửa xe ô tô tải để có điều kiện chăm sóc gia đình. Ngày xưa, bên đó làm ăn còn dễ chứ thời buổi bữa ni, làm mô cũng khó khăn. Lao động chân tay cũng vất vả lắm. Nhưng dù sao, làm bên đó cũng có tiền hơn ở quê với mấy sào ruộng”. “Thôn Hòa Vang có trên 1.100 hộ với gần 6.000 nhân khẩu, nhưng có trên 70% dân số trong độ tuổi lao động qua Lào mưu sinh. Làng quê như thay da đổi thịt. Nhưng cũng không ít người khi có chút tiền thì lại ăn chơi, rượu bia, rồi dính vào ma túy và mang bệnh HIV về làng, khiến vợ con phải gánh chịu hậu quả. Con cái ở nhà, không người chăm lo cũng có một số trở nên hư hỏng”, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng thôn Hoà Vang, xã Lộc Bổn, nói.
Tuyết Khoa
>> Đi “bắt ma bệnh” ở Lào
>> Hợp tác DN Việt kiều Thái - Lào
>> Công bố xếp hạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Bình luận (0)