Đề xuất của PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân trang bị lu để hứng nước mưa giúp chống ngập ở TP.HCM gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, từ câu chuyện “cái lu” này, nhiều bạn đọc hào hứng đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.
Theo nhiều bạn đọc (BĐ), những năm qua TP.HCM đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng chống ngập như thi công các công trình thoát nước, cống ngăn triều, bên cạnh việc kêu gọi không xả rác xuống kênh rạch, cống thoát nước... Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như kỳ vọng, bởi trên thực tế nhiều khu vực vẫn ngập nặng vào mùa mưa.
Xem lại cách chống ngập hiện hữu
"Tôi thấy chúng ta cứ loay hoay mãi mà ngập vẫn cứ ngập, hết chỗ này thì lòi chỗ khác. Cần phải có một cái nhìn toàn diện, phải quy hoạch đồng bộ, huy động chất xám mọi người, chứ manh mún thì cứ mãi loay hoay thôi, chẳng giải quyết được ngập", BĐ Tám Khỏe (TP.HCM) nhận xét.
Trong khi đó, BĐ Hoài Thu (Đồng Nai) nêu ý kiến: "Theo tôi, nước chỉ ngập khi vùng đất quá thấp. Một điểm ngập thì không sao, nhưng nhiều điểm ngập thì TP đó có vấn đề: Đất cả TP nơi đây đang nằm dưới mực nước, có chống bao nhiêu thì cũng ngập, phải xem lại cách chống ngập".
Thu thuế thoát nước theo diện tích nhà đất
Từ ý tưởng trang bị lu nước để chống ngập, nhiều BĐ cho rằng nên thay từ ''cái lu'' bằng cụm từ "bể nước ngầm" sẽ chuẩn xác hơn. Việc xây bể nước ngầm phải đưa vào quy hoạch xây dựng của TP, từ giai đoạn thiết kế công trình. Diện tích mặt bể quy định bằng 1/5 diện tích công trình xây dựng, chiều cao của bể tối thiểu 2 m, thiết kế gom thẳng nước từ mái nhà vào bể ngầm và có đường xả tràn khi đầy. Nước này nếu sử dụng có thể qua hệ thống lọc thô để lọc cặn, dùng vào các mục đích như rửa xe, tưới cây, tưới đường trước sân nhà; thậm chí nếu có hệ thống lọc tốt có thể dùng để tắm, giặt được.
Bạn Phong Vũ (Hà Nội) viết: "Một trong những cách chống ngập có hiệu quả cao nhất và sử dụng ngân sách ít nhất, là làm cho người dân nội ô TP tìm mọi cách hứng trữ thật nhiều nước mưa. Giải pháp có thể là cấm khoan giếng và tăng giá nước máy lên thật cao vào mùa mưa. Tiếp đó có thể thu thuế thoát nước theo diện tích đất: một căn nhà phố 5 x 20 m, diện tích 100 m2, trong một trận mưa 100 mm đổ ra đường phố lượng nước rất lớn là 10 m3. Nếu thu thuế mỗi tháng lượng nước đổ ra đường thì tính bằng cách nhân vũ lượng trong tháng với diện tích nhà đất, rồi trừ đi lượng nước mưa đã được gia chủ tích lại gom trữ vào bồn (có thể gắn một công tơ niêm phong trên điểm nhánh cuối của ống gom nước mưa chảy vào bồn chứa sẽ kiểm soát được lượng nước thu gom). Ai gom toàn bộ nước mưa trên diện tích của nhà mình thì không phải đóng đồng nào tiền thuế thoát nước mưa".
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Trí Thành (TP.HCM) đề xuất: "TP.HCM chúng ta sau thời gian đô thị hóa thì không khác gì bình nước bị bỏ sỏi vào trong, trong khi triều cường vẫn ngày lên cao. Cho nên muốn không ngập thì chỉ có lấy sỏi trong bình ra, tức là nạo vét toàn bộ kênh rạch, hạ cao độ đáy kênh sâu hơn các cửa cống xả để tăng thể tích chứa nước và thông dòng chảy”.
Còn BĐ Hà Thanh (TP.HCM) kiến nghị: “Tại các khu chung cư cao tầng, thay vì xi măng hóa toàn bộ nền đất thì khi quy hoạch buộc chủ đầu tư phải dành ra một khoảnh đất bao nhiêu phần trăm đó để làm hồ điều tiết thì lượng nước trong khu vực đó không tập trung về nơi thấp. Như vậy lượng nước mưa được phân tán và giảm ngập là có, nếu hồ điều tiết đủ nhiều thì... hết ngập".
Bình luận (0)