Như Thanh Niên từng đề cập trong bài viết Chặn “làn sóng” băng nhóm trẻ côn đồ đăng tải ngày 14.9, trên địa bàn TP.Đà Nẵng đang nổi lên vấn nạn thanh thiếu niên tụ tập đua xe, hỗn chiến và có hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều lo ngại trong cộng đồng.
Cụ thể, lực lượng CSGT thuộc Trạm cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) từng phát hiện nhiều trường hợp chưa có giấy phép lái xe, xe máy cũng được độ chế nhiều bộ phận, tụ tập so kè tốc độ trên cung đường đèo Hải Vân nguy hiểm. Chưa hết, các “quái xế” trẻ này không chỉ hẹn nhau tụ tập ở đèo Hải Vân, khu vực ngoại ô TP.Đà Nẵng, mà còn có xu hướng tụ tập gây náo loạn ở trung tâm thành phố.
Quái xế tụ tập đua xe trên đèo Hải Vân |
T.L |
Nỗi lo không riêng địa phương nào
Nhận xét về nạn “quái xế” vị thành niên, bạn đọc (BĐ) Hợp Phan Hải cho rằng “không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng, nạn độ chế xe, nẹt pô, đua xe, lạng lách cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác”. Một BĐ khác cũng nêu ý kiến: “Cái này không chỉ riêng Đà Nẵng mà nhiều nơi cũng có, nhưng cốt lõi là xử lý thế nào? Bắt được thì lại thả ra vì muôn vàn lý do, thường vì chưa đủ tuổi xử lý, trả về cho gia đình giám hộ, giáo dục nhưng e là vài ngày lại đâu vào đó. Luật dành cho trẻ vị thành niên chưa đủ sức răn đe cần thiết nên tốt nhất là cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp”.
Câu chuyện liên quan đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng khiến nhiều BĐ băn khoăn. BĐ Thiên Hạo đề nghị: “Cần hạ tuổi hình sự với nhóm này, chứ cứ bảo chưa chín chắn, chưa đủ tuổi thì e là không nên. Phụ huynh đụng việc thì cứ chống chế kiểu cháu nó ở nhà ngoan lắm”. Tán thành, BĐ le phuoc cũng cho rằng cần “hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với những hành vi như đua xe, đánh nhau… mới giảm bớt được tình trạng này. Độ tuổi thực tế nhận thức đầy đủ hiện tại đã thấp hơn trước kia nhiều rồi”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giải pháp rốt ráo của vấn đề nằm ở việc “phòng hơn là chống”. BĐ Tran Hung nêu ý kiến: “Gia đình, xã hội cần quan tâm, chăm sóc, quản lý chặt hơn nhóm tuổi dậy thì. Ngoan hay hư hỏng đều bắt nguồn từ nhóm tuổi dậy thì này mà ra”. BĐ Tran Hung đồng thời đề cập nhiều giải pháp: “Phải có thêm nhiều sân chơi lành mạnh cho bọn trẻ, để phát triển năng khiếu, giải tỏa năng lượng của tuổi dậy thì; phải kết hợp với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến bọn trẻ; các tổ chức xã hội từ thấp đến cao phải gắn chặt, đồng hành với lớp thanh niên trong khu vực được phân công…”.
Vẫn phải từ nền tảng gia đình
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp cho biết nhiều “quái xế” ở tuổi vị thành niên được người thân cho mượn xe để đi chơi, đi học… nhưng lại “đua” lên đèo. Lực lượng CSGT cho rằng việc quản lý chặt đối với trẻ vị thành niên từ gia đình, phụ huynh là hết sức cần thiết.
Cái này rõ ràng thời nào cũng có ít nhiều. Quan trọng là trấn áp và phạt nặng liên tục để tránh biến tướng, đi đôi tuyên truyền giáo dục các cấp đến từng gia đình, quản lý tốt dân cư...
Hùng
Cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý, nâng cao mức phạt, thậm chí có thể truy tố hình sự.
thanh vu le
Cứ phát loa ở mỗi phường mỗi ấp, vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện, phạt tiền cao, phạt tù 10 năm trở lên thử xem còn dám phá làng xóm không? Châu
Nguyễn Ngọc
Đề cập yếu tố gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái tránh xa những “hội nhóm “quái xế” vị thành niên”, BĐ Minh Nghĩa nhận xét: “Một khi cần đến pháp luật ra tay răn đe, tức là việc đã xảy ra rồi và không phải là không có những điều đáng tiếc. Theo tôi, suy cho cùng, giải pháp đúng vẫn phải đến từ nền tảng gia đình, phòng trước chống sau”.
BĐ Thiên Luân cũng cho rằng nếu mỗi gia đình dành nhiều thời gian cho con em hơn, hoặc ít nhất cũng đủ thời gian nắm bắt, quản lý, gần gũi với lịch sinh hoạt của từng đứa trẻ, sẽ hạn chế thấp nhất việc con em “đốt năng lượng tuổi dậy thì vào những trò chơi nguy hiểm, thậm chí là phạm pháp”.
Bình luận (0)