Lăng kính Bạn đọc: Tiếp tục tranh luận dự thảo 'có hơi rượu, bia' đều bị phạt

12/08/2019 05:00 GMT+7

Dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46/2016 của Bộ GTVT, trong đó có điểm mới: chỉ cần có nồng độ cồn trong máu dưới 50 mg/lít khí thở, người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt gây ra nhiều tranh luận.

Hiện Nghị định 46 quy định xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở, mức phạt 1 - 2 triệu đồng và tước bằng lái xe 1 - 3 tháng. Vì thế, dự thảo mới đề xuất phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu, hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở, nếu được thông qua, chỉ cần “có hơi rượu, bia”, tức nồng độ cồn lớn hơn 0, người điều khiển xe máy, ô tô đều bị xử phạt.

Tranh luận

Những bạn đọc (BĐ) đồng tình với điểm mới “chỉ cần có hơi rượu, bia” cho rằng, quy định này khả thi.
CSGT mà đứng trước quán nhậu, đám cưới, đám giỗ thì bắt đầy.
Nguyễn Văn Thái (Bình Thuận)
“Căn cứ vào luật Phòng chống tác hại rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua mà xử phạt không cần phải xin ý kiến”, BĐ Nguyễn Kha (TP.HCM) thẳng thắn. Theo BĐ Huỳnh Công Trạch (Đồng Nai), ngoài việc phạt tiền, phải thu giấy phép lái xe vĩnh viễn mới đủ sức răn đe. BĐ Nguyễn Viết Trung (Vũng Tàu) dẫn chứng: Ở một số nhà máy sản xuất đã có nội quy, công nhân nào vào nhà máy mà có nồng độ cồn trên 0 mg/lít khí thở là “vui lòng đi về”. Ai cố tình vào là bị phạt vĩnh viễn không được vào nhà máy làm việc nữa. Chính vì quy định nghiêm như vậy mà rất ít công nhân vi phạm.
BĐ Nguyễn Văn Hùng (TP.HCM) không phủ nhận tác hại của việc uống rượu bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhưng cho rằng, “có hơi bia mà phạt” là cảm tính vì quy định “nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu, hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở” cần phải được cân nhắc. “Luật là phải có căn cứ, phải khoa học. Những nước như: Nhật, Hàn, Mỹ, Anh... họ đều căn cứ trên nghiên cứu khoa học về bao nhiêu lượng rượu bia tác động ra sao đối với cơ thể, và cho ra mức căn cứ để phạt”, BĐ Hùng lập luận.

Vấn nạn khó nói

BĐ Hồ Trinh (TP.HCM) băn khoăn: “Tối hôm trước tôi nhậu, sáng hôm sau lái xe, có còn cồn trong máu và hơi thở không? Trưa tôi tiếp khách 1 lon bia, buổi chiều lái xe có còn cồn trong máu và hơi thở không? Quy định không lái xe khi đã uống rượu bia. Vậy uống hôm trước, hôm sau lái được không? Uống ít vào buổi trưa, chiều tối lái xe được không?...”.
Theo tôi, chỉ cần uống nửa lon hay một ngụm mà vẫn lái xe là cũng đã đủ để phạt rồi. Còn nếu nồng độ cồn từ 50 mg/100 ml máu trở lên thì nên đem xử lý hình sự.
Trần Văn Đô (Hà Nội)
BĐ Văn Lê (Hà Giang) cho biết, ở Mỹ khi uống rượu bia vượt mức cho phép thì lái xe bị phạt tiền rất nặng. Ngoài ra, còn phải đi lượm rác trên xa lộ; đi học lại bằng lái và tự bỏ tiền gắn vào xe thiết bị phát hiện tài xế có mùi rượu bia thì không đề máy nổ được... Các khoản chi phí cộng dồn khoảng 40.000 USD nên không ai dám vi phạm. “Ở nước ta, cứ cho là phạt 40 triệu đồng, nhưng các vị làm luật nên nghĩ thêm là ở ta có nạn thay vì phạt 40 triệu đồng, chỉ cần đưa ngoài cho “ai đó” 10 triệu đồng là “bỏ qua” hoặc nhờ người quen xin xỏ... Đây mới là gốc rễ của mọi vấn đề”, BĐ Văn Lê viết.
Mỗi khi ra luật phải có nghiên cứu, điều tra thật kỹ càng, thấu tình đạt lý. Một lon bia hay 1 ly rượu nhỏ thì sao gọi là mất kiểm soát?
Trần Anh (Bắc Giang)
Còn BĐ Việt Hòa (Đồng Nai) góp ý: “Người soạn thảo dường như không nghĩ đến như thế nào là mất kiểm soát và như thế nào là không mất kiểm soát. Vì vậy, để dự thảo được “thông” thì nên có ý kiến tham gia của các chuyên gia khoa học, thậm chí ngay cả nhà sản xuất, để đưa ra một kết luận nồng độ bao nhiêu là mất kiểm soát chứ theo kiểu cào bằng mà phạt là rất vô lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.