Lăng kính Bạn đọc: Tranh luận về đề xuất quy hoạch để 'sinh con thứ 3'

01/06/2019 05:57 GMT+7

Ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân về việc “ cần quy hoạch để một bộ phận sinh con thứ 3 ” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường sáng 31.5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông muốn đề cập vấn đề để đất nước phát triển bền vững trong tương lai mà ngay bây giờ phải làm. Ông Nhân cho rằng, một quốc gia bền vững có thể nêu ở 5 yếu tố: bền vững về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và lao động - dân số. Do vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiến nghị cần chuyển đổi nhận thức để đất nước đạt 2,1 trẻ em/phụ nữ thì phải có một nhóm sinh con thứ 3 mới đủ. Chính phủ cần có hướng dẫn mức sinh phù hợp cho các địa phương chứ không phải chỗ nào cũng giảm.

Khuyến khích người có bằng thạc sĩ sinh con thứ 3

Một số bạn đọc đồng tình với đề xuất này với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. Bạn đọc (BĐ) Dương Thanh Châu góp ý thêm, cần quy định người có bằng từ thạc sĩ trở lên khuyến khích sinh con thứ 3 vì có gien thông minh để nhân rộng. Một BĐ ở Trà Vinh cũng đồng tình nhưng đề xuất cần thống kê điều kiện tối ưu để nuôi một trẻ em lên tới 18 tuổi là gì. Nếu gia đình nào chứng minh được thu nhập hợp pháp và ổn định đủ khả năng nuôi thì cho họ sinh thêm con.
BĐ Đức Tuấn cũng nhận thấy phân tích của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân hợp lý vì thực tế dân số đang tăng, nhưng sắp tới cơ cấu tuổi có thể mất đi tỷ lệ “dân số vàng” và vấp phải vấn đề già hóa dân số. Và đương nhiên, phúc lợi xã hội cho người già sẽ nặng.
Cũng có không ít ý kiến băn khoăn, như của BĐ Dương Nguyễn (ngụ Bình Dương): “Đông Nam bộ là vùng công nghiệp phát triển, dân cư có mức thu nhập tốt hơn nhưng sinh con ít hơn; vùng núi Tây Bắc khó khăn hơn thì lại sinh con nhiều, kèm theo việc sinh con là an sinh, giáo dục. Theo tôi quy hoạch nên đánh giá theo khả năng nuôi dạy con cái. Hiện nay có nghịch lý là người nghèo thì sinh con nhiều, người có trí thức thì tập trung vào sự nghiệp và công việc nên sinh con ít từ đó dẫn đến hệ lụy về lâu về dài của đất nước”.

Hướng tới chất lượng hơn số lượng

Tuy nhiên, theo BĐ Thủy Nguyễn, vấn đề bây giờ là làm sao để con cháu đời sau sống trong môi trường trong lành, chất lượng cuộc sống được nâng cao chứ không phải chen chúc nhau mà sống như bây giờ. Vấn đề nguồn lao động sẽ được giải quyết nếu nhà nước đầu tư mạnh tay vào công nghệ. Trong tương lai, máy móc sẽ thay thế con người những công việc đơn giản. Điều này là tất yếu. Vì thế các cặp vợ chồng biết nghĩ về tương lai thì chỉ nên sinh vừa đủ với năng lực kinh tế của mình để nuôi dạy con tốt, cho con được giáo dục đàng hoàng, thì sau này mới mong có việc làm.
Ở một góc nhìn thực tế hơn, BĐ Lê Đạt cho rằng, chỉ riêng ở TP.HCM, chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống do ô nhiễm tăng, kẹt xe, ngập nước... đều do tăng dân số quá mức chịu đựng của điều kiện hạ tầng. Phố xá đông nghịt, kẹt xe, nhiều người thuê trọ 3 thế hệ sống chung chật hẹp và tệ nạn ngày càng nhiều do nhiều gia đình có nhiều con mà không nuôi ăn học tới nơi tới chốn chứ chưa nói là có chất lượng và cạnh tranh. Nên hướng tới chất lượng hơn số lượng. Nên hướng tới dù ít con nhưng 100% phải được đi học và ít nhất có trình độ cao đẳng hay đại học như các nước tân tiến.
“Cuộc sống khó khăn... người lao động nghèo sinh con thứ nhất thôi là thấy choáng rồi; chưa kể là con thứ hai, thứ ba... Làm sao để sống và nuôi ăn học?”, BĐ Phạm Anh băn khoăn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.