Lăng kính Bạn đọc: Xóa tư cách cán bộ nghỉ hưu để làm gì?

11/06/2019 05:10 GMT+7

Việc luật hóa quy định kỷ luật cán bộ về hưu vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số đại biểu cho rằng việc xóa tư cách là khiên cưỡng và chưa rõ hậu quả đi kèm với những người bị kỷ luật.

Kỷ luật cũng như không

Làm sai thì đi tù, tịch thu gia sản chứ xóa tư cách ư, khó hiểu quá. (Trần Hoàng, Đồng Tháp)
 
Một hình thức để công bố với dư luận là ''đã xử lý'' chứ chẳng ảnh hưởng đến ai và vô tình hợp thức hóa luôn tài sản vi phạm. (Lê Long, Đồng Nai)
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu - điều khoản đã gây tranh cãi rất nhiều thời gian gần đây, qua tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung quy định vào luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quy định rõ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đi kèm theo hậu quả nào; ví dụ như tước quyền lợi khi đương chức được hưởng (kể cả xét khen thưởng) hoặc trong thời gian đảm nhiệm chức vụ (như hưởng phụ cấp là 1.0) mà vi phạm thì bị phạt tiền. Có ý kiến cho rằng việc quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là không rõ ràng, khiên cưỡng.
Không đồng tình với hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” sau khi về hưu, bạn đọc (BĐ) K.Dũng (Hà Nội) cho rằng: "Trên thế giới chắc không có nước nào có hình thức xóa tư cách "cựu" của quan chức đã nghỉ hưu như VN. Nếu đã nghỉ hưu mà phát hiện vi phạm lúc còn đương chức thì vẫn cứ theo luật mà xử". BĐ Thanh Long (TP.HCM) cũng đồng tình: "Khi cán bộ nghỉ hưu mà bị kỷ luật thì nhẹ cảnh cáo báo về địa phương cư trú, nặng thì xử lý hình sự cho đi tù, bắt bồi thường. Chứ kỷ luật xóa tư cách cũng như không".
"Cán bộ vi phạm trong thời gian công tác thì sau khi về hưu nếu chỉ bị xử lý như thế thì quá nhẹ nhàng. Những sai phạm của họ trước kia thì sao? Tiền tham ô, tham nhũng đầy túi họ còn tiếc chi mấy cái quyền lợi nhỏ đó nữa. Điều quan trọng là phải thu hồi được số tiền mà họ làm ăn bất chính khi còn đương chức, sau đó phải bắt bỏ tù...", BĐ Lạc Hùng (Sơn La) nêu ý kiến.

Có tội thì phải xử lý theo pháp luật

Nhiều BĐ cho rằng để răn đe cũng như phòng ngừa cán bộ thoái hóa biến chất thì cần phải triệt tiêu khái niệm "nghỉ hưu là hạ cánh an toàn", mà cần truy trách nhiệm và xét kỷ luật như đương chức.
"Sao phải mất thời gian, công sức vào mấy cái việc như "xóa tư cách" (khi đã nghỉ hưu). Bởi vì xóa thì để làm gì? Lại phát sinh thêm bao việc khác: ví dụ các văn bản người đó ký khi còn đương chức thì khi bị xóa tư cách sẽ xử lý thế nào?... Tốt nhất cứ để nguyên tư cách người ta đã có (chả ảnh hưởng gì đến xã hội cả). Quan trọng là nếu có tội thì phải xử lý theo pháp luật, tịch thu tài sản do phạm tội mà có", BĐ Trần Văn Mạnh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, BĐ Tran Pho (Hà Nội) cho rằng: "Xóa tư cách cán bộ đã về hưu thì có cắt bỏ lương hưu được không? Chắc chắn là không được vì khi còn đi làm, họ vẫn đóng BHXH đầy đủ, như vậy "xóa tư cách" chẳng có ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa tinh thần. Cần phải xem xét lại những người đã đề bạt, bổ nhiệm cán bộ kém phẩm chất, kém năng lực vào ghế lãnh đạo thì mới là gốc của vấn đề. Với những người có tội thì cứ theo pháp luật mà xử lý".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.