Lắng nghe, giải quyết kịp thời những kiến nghị

Bên lề hội nghị hôm qua, PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phạm Văn Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, xung quanh việc tháo gỡ khó khăn để phát huy nguồn lực kiều bào.

Ông Hải nói: “Có thể nói công tác kiều bào ở TP.HCM đã được các cấp lãnh đạo TP chú trọng ngay từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Ngay sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài ra đời, Thành ủy và UBND TP đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác người VN ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, các sở ngành, đơn vị liên quan cũng đã tham mưu TP cho ra đời nhiều chính sách thông thoáng để thu hút kiều bào, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thu hút doanh nhân kiều bào về đầu tư, làm ăn trên địa bàn TP.
TP đã ban hành chính sách thu hút chuyên gia kiều bào về TP tham gia giảng dạy, nghiên cứu… với nhiều ưu đãi. Riêng về lương thì trả mức cao nhất 150 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn nhiều chính sách khác nữa”.
Ông Phạm Văn Hải
       
Trong việc kêu gọi, vận động kiều bào đóng góp cho quê hương, có vướng những cơ chế, chính sách gì không, thưa ông?
Như tôi nói trên, TP đã tạo ra nhiều cơ chế thông thoáng. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng có những cơ chế, chính sách mình thay đổi không kịp. Ví dụ như trước đây mình có những cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp kiều bào đầu tư vào TP, nhưng sau này do sự phát triển của cả nước nói chung và TP nói riêng, thì cơ chế đó không còn nữa.
Tôi cho rằng cần thiết việc sớm sửa đổi để có những cơ chế phù hợp với tình hình mới. Có như vậy mới thu hút các doanh nghiệp của kiều bào mình yên tâm về đầu tư, làm ăn ở trong nước.
Mặt khác, trong bối cảnh tinh giản biên chế, một số đơn vị thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học… cũng ngại nhận người mới, trong đó có bà con kiều bào. Mình cũng phải có những chủ trương, chính sách phù hợp để thu hút kiều bào.
Vướng về cơ chế, chính sách là việc cần nhanh chóng tháo gỡ, nhưng không ít người VN ở nước ngoài mỗi khi trở về quê hương cũng than phiền về thủ tục hành chính, thông tin về các dự án đầu tư…
Đây cũng là vấn đề cần tiếp tục lắng nghe để thay đổi. Nhiều khi bà con về mà không biết liên hệ với ai, làm gì, ở đâu. Chúng tôi có trang web thường hay đưa những thông tin đó để bà con tới thì hướng dẫn, nhưng bà con cũng chưa biết hết. Có những hội nghị bà con phát biểu, kiến nghị nhưng sau đó không biết ai để mà liên lạc, giải quyết.
Chúng tôi cũng có những bộ phận hướng dẫn bà con kiều bào khi về nước làm ăn, đầu tư…, nhưng phải nói rằng việc tiếp nhận trong hệ thống của mình chưa thật sự đồng bộ. Mặc dù chủ trương, chính sách của mình thông thoáng nhưng quán triệt trong hệ thống các cấp của mình cũng chưa có chiều sâu, thậm chí có nơi cũng chưa quan tâm lắm. Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền cho bà con kiều bào cũng cần có sự đổi mới cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Về thủ tục hành chính còn nhiêu khê là chuyện chung, chứ không phải chỉ riêng với kiều bào. Nhưng vì bà con đã quen với những thủ tục ở nước ngoài nhanh gọn, nay về va chạm với những thủ tục ở trong nước mình như vậy, đôi khi cũng gây cho bà con cảm giác ngán ngại.
Ông có giải pháp, kiến nghị nào để phát huy hơn nữa nguồn lực kiều bào trong việc chung sức xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế thời gian tới?
Tôi cho rằng hội nghị kiều bào lần này là một trong những giải pháp. Kiến nghị, phản ánh cũng như hiến kế vì sự phát triển của TP đều được lãnh đạo cầu thị lắng nghe, tiếp thu để có những thay đổi phù hợp theo hướng tốt lên, nhằm đáp ứng yêu cầu, sự mong muốn của bà con kiều bào.
Cái chung nhất là phải rà soát lại tất cả những chủ trương, chính sách và bổ sung một cách kịp thời. Song song đó phải giải quyết kịp thời những kiến nghị của bà con. Làm những việc thiết thực như vậy thì chắc chắn sẽ tạo niềm tin cho bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.