Món ăn Việt đang ngày càng trở nên nổi bật ở Israel với sự hấp dẫn của cách nấu ăn mùa nào thức nấy và đặc điểm quan tâm đến môi trường.
Ở xứ sở này, các nhà hàng đang vận dụng phong cách Việt vào cách nấu nướng của họ. Hơn thế nữa, các nhà hàng món ăn Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện trên đất nước Do Thái. Ðơn cử, ở thủ đô Tel Aviv có các nhà hàng Huỳnh (ở cuối đại lộ Rothschild) và Hà Nội (trên phố Lilienblum).
Rima Olvera, đầu bếp và chủ nhà hàng Oasis, chuyên kết hợp trí tưởng tượng với sự hiểu biết của bà về món ăn Việt. Bà nhận xét: "Ngoài món Nhật, món Việt tao nhã, lịch sự và tinh tế nhất. Ðằng sau các món ăn Việt là cả một quan điểm và triết lý về cuộc sống. Ðiều này cho bạn thấy rằng mọi thứ bạn thưởng thức đều phải được cân bằng. Ðó là lý do vì sao người Việt không chế biến các món cá chỉ với vị ngọt hoặc vị cay. Thay vì vậy, món cá của người Việt kết hợp các vị chua, ngọt, đắng, mặn và cay".
|
Khi dọn thức ăn ra bàn, người Việt sẽ không vội ăn ngay. Họ lắng nghe nó, thưởng thức mùi hương của nó. Bà Olvera nói thêm: "Món ăn Việt là những loại thức ăn nhiều màu sắc, được nấu nướng kỹ lưỡng với 5 màu đại diện cho bầu trời, trái đất, không khí, nước và lửa. Ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, mọi món ăn đều phải tuân theo 5 ý nghĩa đó".
Theo bà Olvera, món ăn Việt khó chế biến nhưng hấp dẫn nhất trong số những món ăn mà bà từng biết. Bà thừa nhận: "Ngay cả khi có công thức trong tay, bạn chưa hẳn nấu được một món ăn giống y như vậy. Bạn không thể lên mạng, nghiên cứu món ăn trong vòng vài tuần lễ và sau đó bắt tay thực hiện là có thể thành công. Trước hết, bạn phải hiểu được triết lý sâu xa đằng sau món ăn, rồi sau đó là sự tương quan của nó với môi trường. Một loại gia vị có thể được nêm đậm đà hơn hoặc ít hơn. Ðó là điều bạn phải biết và hiểu để nấu món ăn Việt".
"Món ăn Việt là tình yêu mới nhất của tôi" - Osnat Hoffman, nữ đầu bếp 44 tuổi, tâm sự. Bà Hoffman nói bà tin chắc rằng Việt Nam là một đất nước có những món ăn hấp dẫn. Trong số đó, phở là một món ăn độc đáo, đặc biệt là nước phở.
Ngoài ra, theo báo Haaretz, các đầu bếp Israel đều nhất trí rằng người Việt Nam thực sự là những chuyên gia về gạo. Sự tinh thông của họ vượt ra ngoài giới hạn của công việc chuẩn bị nguyên liệu gạo để chế biến thành bột, bánh đa và bún. Ðầu bếp Yisrael Aharoni nhấn mạnh: "Họ sử dụng gạo một cách rất đáng thán phục… Nghệ thuật nấu ăn của người Việt Nam thật mới lạ với nhiều hương vị và ở một mức độ nhất định, khiến người ta nhớ đến cách nấu ăn của người Thái Lan nhưng mới lạ hơn nhiều". Thêm vào đó, ông Aharoni nhận xét rằng người Việt Nam thích sử dụng các loại rau thơm để trang trí bên trên món ăn, tạo cho món ăn sự tươi mới, khác biệt với bất kỳ phong cách nấu ăn nào khác.
theo Ngô Sinh/Người Lao Động
Bình luận (0)