Tự động phát
Chạy dọc theo con đường Huyền Trân Công Chúa xuôi về lăng Tự Đức những ngày tháng Tám, tháng Chín, người ta sẽ bị thu hút bởi không khí hối hả sản xuất hương trầm. Làng Thủy Xuân có truyền thống làm hương trầm từ rất lâu đời, phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch đến Huế.
Những vị cao niên trong làng cũng không rõ nghề làm hương trầm có từ bao giờ. Chỉ biết là đời cha ông đi trước làm rồi đời con cháu cứ vậy mà nối nghề cho đến ngày nay. Gia đình ông Hồ Ngọc Thứ nổi tiếng trong làng với gần 40 năm gắn bó với các sản phẩm từ cây trầm với vất vả vinh quang cùng nghề làm hương này.
Hương làng Thủy Xuân đặc biệt có ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi. Ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Phần lõi của cây hương thường được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, được phơi kỹ qua nắng, sương nhiều ngày trời để tre thật khô, thật giòn. Chính bí quyết này giúp cho que hương có thể cháy đều, được hương, tàn cuộn lại đẹp mắt sau khi cháy mà không bị đứt gãy giữa chừng. Tiếp theo là cán hương - công việc khó nhất, đòi hỏi phải có kĩ thuật, kinh nghiệm và bí quyết riêng. Bởi thế mà cán hương là khâu quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Bà Lê Thị Lành - vợ ông Thứ chia sẻ: "Từ ngày có máy móc, công việc đỡ vất vả hơn trước nhiều. Ngày trước thì chỉ cán hết năm cân bột hương một ngày, bây giờ có máy cán rồi thì một ngày có thể làm hết 15 đến 16 cân bột hương."
Hương trầm cán xong phải được phơi dưới nắng để cây hương khô và chắc.
Hương được bó chân lại với nhau từng bó lớn, thân xoè ra phơi nắng hoặc được đưa lên những giá phơi để tiện cho việc thu dọn khi những cơn mưa mùa thu bất chợt ập đến. Người thợ làm hương rất tránh việc để hương bị ngấm nước mưa. Nếu mưa xuống mà không đưa kịp vào nhà, bột trên cây hương ngấm nước bị mủn ra và sẽ phải bỏ đi.
Các thế hệ trong gia đình ông Thứ vẫn ngày ngày gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của gia đình. Họ cùng nhau tạo ra nhiều loại sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Thứ cho biết, gia đình ông đang sản xuất một dòng sản phẩm mới - cây nhang nụ, phục vụ cho những khách hàng muốn thưởng thức mùi khói của trầm.
Nén hương trầm toả ra mùi thơm ngào ngạt như sợi dây máu thịt nối liền giữa người đang sống với vong linh những người đã khuất.
"Vẫn còn đây những lời ru
Vờn bay phảng phất cho dù tháng năm
Tổ tiên một nén nhang trầm
Nối dòng máu đỏ âm thầm thiết tha".
Hương trầm xứ Huế đã đi vào từng phố phường, ngõ xóm, để rồi thơm ngát nơi nhà thờ, từ đường, trang nghiêm trong những nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc, và thắt chặt hơn sợi dây nguồn cội của quê nhà.
Bình luận (0)