Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Lan tỏa hương rượu Bàu Đá

Thanh Quân
Thanh Quân
25/01/2024 07:35 GMT+7

Mỗi dịp gần tết, hương thơm của rượu Bàu Đá lan khắp nơi, làm toát lên vẻ đẹp của một làng nghề truyền thống. Đây cũng chính là loại rượu không thể thiếu trong các lễ cúng ngày tết của người dân Bình Định.

Rượu ngon lừng danh

Nhắc đến rượu Bàu Đá, nhiều người không lạ gì với câu ca dao: Rượu ngon Bàu Đá mê li/Gặp nem chợ huyện bỏ đi sao đành?. Loại rượu này chắc hẳn bất cứ ai ở trên đất nước VN cũng từng nghe tên ít nhất một lần. Đặc biệt trong những dịp năm mới, món rượu lừng danh của tỉnh Bình Định càng được nhắc đến nhiều hơn.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Lan tỏa hương rượu Bàu Đá- Ảnh 1.

Những ngày cận tết, các lò rượu ở làng nghề Bàu Đá tất bật với công việc

THANH QUÂN

Thực ra, ở Bình Định, dọc dài sông Kôn hay tản mát các huyện, có nhiều loại rượu cũng khá nổi tiếng bởi độ đằm và hương vị của nó, như Phù Mỹ có rượu Trung Thứ, ở Vĩnh Thạnh có rượu Vĩnh Cửu, ở Tây Sơn có rượu đậu xanh Tây Sơn. Nhưng Bàu Đá vẫn là cái tên được người thưởng rượu yêu thích và tìm kiếm nhiều hơn cả.

Bàu Đá thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn (Bình Định). Sở dĩ cái tên Bàu Đá được ra đời là vì địa phương này có một cái bàu rộng khoảng 3 ha. Cái bàu này sẽ không có gì đáng nói, giống như bao cái bàu khác, ngoại trừ việc nó không bao giờ cạn nước và bên trong lô nhô từng chỏm đá, nước rất trong mát. Vì vậy, người dân làng gọi nó là Bàu Đá. Khu xóm gần Bàu Đá cũng vì thế được gọi là xóm Bàu Đá.

Tương truyền, chính bàu nước trong vùng, nơi hội tụ của những mạch nước ngầm chảy ra từ lòng các ngọn núi xung quanh làm nên danh tiếng, làm nên cái mùi thơm, cái cay nồng đậm đà khó tả của rượu Bàu Đá.

Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rất thủ công. Theo các lão làng có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu rượu Bàu Đá, để có một nồi rượu thơm ngon, người ta phải dùng gạo trì để nấu, mỗi mẻ là 5 kg gạo, nấu đúng 6 tiếng đồng hồ và chỉ cất được từ 2,5 - 3 lít rượu.

Ngày đêm nấu rượu bán tết

Những ngày cuối năm, hương thơm của rượu nếp phảng phất quanh làng Bàu Đá. Đứng cách cổng làng hơn 200 m cũng dễ dàng ngửi thấy mùi rượu, hết sức dễ chịu. Đây là mùa người dân làng nấu rượu nhiều nhất trong năm, vì nhu cầu phục vụ tết. Quá giờ trưa, bếp lửa trong căn nhà dưới của bà Huỳnh Thị Mỹ Dung (67 tuổi, làng nghề Bàu Đá) vẫn đỏ lửa. Chẻ từng thanh củi nhỏ để giữ lửa cho các nồi rượu, bà Dung vừa làm vừa nói: "Ở những tháng trước thì chỉ cần một ngày nấu 1 lần là đủ, nhưng để có rượu bán tết thì đợt này phải chịu khó nấu cả ngày".

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Lan tỏa hương rượu Bàu Đá- Ảnh 2.

Làng nghề rượu Bàu Đá (Bình Định) là một trong những làng nghề nổi tiếng cả nước

Gần 50 năm qua, cứ hễ đến dịp tết là căn bếp nhà bà Dung lại đỏ lửa cả ngày. Cứ 3 giờ sáng, vợ chồng bà đã dậy nấu rượu cho đến khi tờ mờ tối mới tạm nghỉ ngơi. Mặc dù rượu nấu cả ngày như vậy nhưng số lượng làm ra vẫn không đủ phục vụ bán tết.

Vào dịp cận tết, mỗi ngày bà Dung nấu khoảng 40 lít rượu, tiền chi tiêu mùa tết cũng từ những bếp rượu của bà. "Ngày trước về làm dâu ở đây nên được học nghề từ gia đình chồng, rồi cũng gần 50 năm nay căn bếp bé tí này đã nuôi sống cả gia đình tôi", bà Dung chia sẻ. Cũng giống như những gia đình làm rượu truyền thống khác trong làng, loại rượu bà Dung làm ra khi ngậm trong cuống họng vị rượu sẽ tỏa nồng lên khứu giác và vị giác tạo một cảm giác khoan khoái, vị ngòn ngọt thấm dần trong cổ họng, nóng dần lên rồi lại dịu xuống êm êm.

Niềm tự hào của làng nghề

Dù tất bật với công việc nhưng người dân làng Bàu Đá cũng không thể giấu đi sự mến khách. Đang bận phụ công việc nấu rượu nhưng khi thấy khách lạ vừa đến đầu làng, ông Lê Hồng Thanh (68 tuổi) đã vẫy tay mời vào nhà thử rượu. Có thể đây cũng là một cách để chào bán rượu. Khi khách vào thử, ông nhiệt tình kể những câu chuyện liên quan đến ly rượu khách vừa uống, nếu khách không mua ông vẫn vui vẻ chào tạm biệt.

Tháng 12.2023, giá gạo, nếp tăng nhẹ so với những năm trước, nhưng ông Lê Hồng Thanh vẫn rất tự tin khi được hỏi đến lượng rượu bán ra. "Thiệt ra giá gạo tăng cao thì mình cũng tăng giá rượu lên một chút khách hàng cũng không có ý kiến nhiều. Họ cũng thông cảm vì rượu ở làng này nấu ra rất uy tín và có đặc trưng riêng. Như nhà tôi chỉ sợ không có rượu bán chứ không sợ thiếu người mua", ông Thanh chia sẻ.

Nói xong ông Thanh còn khoe chứng nhận OCOP do UBND tỉnh Bình Định cấp, coi đó như một minh chứng về thương hiệu rượu của gia đình. Không dừng lại ở đó, ông còn vui vẻ cho khách phương xa xem những tấm ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng đã ghé thăm làng Bàu Đá và thử rượu của gia đình ông. Đó chính sự tự hào của gia đình ông và của làng Bàu Đá.

Trong không khí hối hả của những ngày cuối năm, hương thơm nhè nhẹ của rượu Bàu Đá lan khắp nơi làm tôn thêm vẻ đẹp của một làng quê truyền thống. Nhờ vậy mà làng nghề Bàu Đá luôn là một địa điểm thú vị của du khách gần xa mỗi dịp tết đến xuân về. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.