Lắng nghe ý kiến của nhân dân

02/11/2018 06:20 GMT+7

Chiều qua (1.11), 3 ngày Quốc hội chất vấn đã khép lại với phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng nêu lên phương châm, nhiệm vụ thời gian tới của Chính phủ cũng như điểm lại chặng đường nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Động lực tăng trưởng
Trong năm dân vận chính quyền, đến nay Chính phủ đã làm một số việc cụ thể. Trước hết là Chính phủ cùng các cấp chính quyền đã thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Mở đầu, Thủ tướng đã nói lời cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi đánh giá Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. “Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của QH, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, trải qua gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi nhưng chúng ta đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. “Thành quả này nhờ nỗ lực chung cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân”, Thủ tướng nói nhưng cũng chỉ rõ: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Và “đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn”.
Lắng nghe ý kiến của nhân dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn chiều 1.11 Ảnh: Gia Hân
Đây cũng chính là vấn đề mà ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt ra với Thủ tướng khi chất vấn Chính phủ có giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước hết, Thủ tướng phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh. “Thực tế, cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, có ngành làm tốt nhưng có nơi lại ngược lại còn có sự trì trệ”, Thủ tướng nói và cũng cho rằng các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Thêm vào đó, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải tự học tập, tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, địa phương.
Cuối cùng, Thủ tướng nói nếu không làm được, vi phạm nặng thì thay đổi công tác cho phù hợp. Thủ tướng cũng chia sẻ thêm: “Ở một nước, chính phủ, Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành với một nước cả trăm triệu dân như nước ta, việc điều hành rất phức tạp, rủi ro, mong QH hết sức thông cảm vì “phần lớn anh em là nhiệm kỳ đầu”.
Trong khi đó, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) lại đặt vấn đề “đâu là động lực tăng trưởng trong 2 năm còn lại”. Thủ tướng cho biết trong ngắn hạn phải dựa vào động lực sẵn có như tổng cầu của các hộ gia đình đóng góp vào 3/4 trong tổng tăng trưởng GDP. Hai là đầu tư của khu vực trong nước và nước ngoài. Ba là từ phía cung, đóng góp của 3 khu vực nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Trong trung hạn cần tìm ra động lực mới, nhanh và bền vững, phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, phải nuôi dưỡng sức cầu nội địa bằng cách nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra cần đẩy mạnh các hiệp định tự do, song phương và đa phương. Phát triển đô thị trở thành một đầu mối tăng trưởng khoa học công nghệ.
“Giải pháp quan trọng, căn cơ, giải pháp của mọi giải pháp là cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Và có một động lực mới là phát triển mạnh mẽ đúng quy hoạch các loại hình đô thị của nước ta. Theo thống kê của thế giới, trong 123 đô thị lớn nhất chỉ chiếm có 13% dân số toàn cầu nhưng đóng góp 27% FDI, 44% các đại học nghiên cứu, 32% GDP, 65% bằng phát minh sáng chế, 66% hành khách với 5 sân bay lớn nhất. Đô thị có vai trò quan trọng như vậy”, Thủ tướng khẳng định.
Đối với câu hỏi do ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề cập về thuận lợi và khó khăn cũng như giải pháp cho vấn đề dân vận, Thủ tướng cho hay: Trong năm dân vận chính quyền, đến nay Chính phủ đã làm một số việc cụ thể. Trước hết là Chính phủ cùng các cấp chính quyền đã thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thứ hai là chính quyền phục vụ người dân bằng việc tập trung cải cách hành chính, một cửa liên thông, phát huy dân chủ của người dân. Thứ nữa là đối thoại với các tầng lớp nhân dân, từ nông dân, công nhân, trí thức mà nhất là lớp trẻ. Thứ tư là các dự thảo luật phải lấy ý kiến nhân dân.
Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, Thủ tướng thừa nhận tình trạng này và cho biết luật Ngân sách và luật Đầu tư công trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 đã bố trí trên 9.000 tỉ đồng để thanh toán nợ đọng của các bộ, ngành, địa phương đã rà soát chốt đến ngày 31.12.2014 (trước khi luật Đầu tư công có hiệu lực vào năm 2015 - PV). Chính phủ cũng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của QH, đồng thời cũng đã trình lên QH nguyên tắc, tiêu chí để sử dụng dự phòng trong trung hạn giải quyết các vấn đề nợ nần để lại.
“Không hợp thức hóa sai phạm đất đai ở Đà Nẵng”
Khi tiếng chuông báo hiệu thời lượng cho Thủ tướng đã hết, Chủ tịch QH đã cắt lời song Thủ tướng đã đề nghị QH cho thêm 2 phút để trả lời vấn đề thực hiện kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng.
Thủ tướng cho biết, kết luận thanh tra được ban hành từ năm 2012. Từ đó đến nay TP đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn hai vấn đề vướng mắc, chưa được giải quyết. “Một là xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng trái pháp luật. Hai là việc phải thu hồi về cho ngân sách nhà nước khoản tiền 10% trái pháp luật mà TP cho giảm. Đây là hai việc mà TP.Đà Nẵng đã làm trái luật”, Thủ tướng chỉ ra và khẳng định: “Nguyên tắc đã làm trái thì phải khắc phục, sửa sai chứ luật pháp không cho phép hợp thức hóa cái sai”.
“Tất nhiên chúng ta phải bàn cách tháo gỡ trên nguyên tắc phù hợp pháp luật, phù hợp thực tiễn, khả thi, không ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người dân”, Thủ tướng chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, sau khi nhận được văn bản của đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ nghiên cứu đề nghị của TP.Đà Nẵng. Và ngày 20.7.2018, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với các bên và thống nhất giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với TP.Đà Nẵng giải quyết, phân loại từng trường hợp cụ thể để có biện pháp xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như việc miễn giảm tiền trái pháp luật sao cho đảm bảo đúng, không thiệt hại quyền lợi chính đáng của người dân.
Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành quy định về từ chức
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về việc áp dụng yêu cầu từ chức khi không đủ điều kiện, năng lực, uy tín trong quy định nêu gương vừa được Hội nghị T.Ư 8 ban hành, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ chức là một vấn đề mới, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ. Sau Hội nghị T.Ư 8 thì QH, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật vì vấn đề từ chức không chỉ ở Chính phủ mà trong toàn hệ thống chính trị từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, QH, Chủ tịch nước… Về phần Chính phủ, Phó thủ tướng cho biết sẽ nghiên cứu để ban hành văn bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.