Trao đổi với Thanh Niên, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc xã hội hóa bảo tàng. Vấn đề là sàng lọc được những cá nhân, doanh nghiệp thật sự muốn đóng góp cho văn hóa, không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận. Bảo tàng Redland ở bang Queensland (Úc) được chính phủ bỏ tiền xây cất và người dân tại đây làm việc không hưởng lương là hình thức đóng góp vì cộng đồng. Ở nước ngoài rất nhiều người giàu có lập bảo tàng, mua tranh, tượng quý, tạo nên một thị trường mỹ thuật sôi động. Đó cũng là cách làm cho bảo tàng được công chúng chú ý”.
|
Rộng cửa cho xã hội tham gia
Làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT-DL TP.HCM hôm 11.9, các đại biểu HĐND TP cũng đặt vấn đề, làm thế nào bảo tàng thu hút được những bộ sưu tập cá nhân để công chúng có cơ hội thưởng lãm? Nói khác đi là xã hội hóa như thế nào để bảo tàng phát huy hết công năng. Việc cho ra đời bảo tàng tư nhân không chỉ thu hút sự quan tâm của những nhà sưu tập trong nước mà cả những người nước ngoài cũng có cơ hội thành lập bảo tàng, từ đó làm đa dạng thêm hoạt động này tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
|
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch xã hội hóa hoạt động bảo tàng. Phối hợp trưng bày các bộ sưu tập cá nhân, hợp tác với các trường để học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với bảo tàng nhiều hơn. Xã hội hóa bảo tàng bằng việc thành lập bảo tàng tư nhân cũng đang được xúc tiến. Luật Di sản văn hóa cho phép tư nhân mở bảo tàng. Sở VH-TT-DL đang xem xét thẩm định nhiều hiện vật, cổ vật để sớm cho ra đời bảo tàng tư nhân nước ngoài đầu tiên tại TP.HCM”.
Cần hiểu, xã hội hóa bảo tàng không chỉ gói gọn trong việc thành lập những bảo tàng tư nhân mà còn làm thế nào để khuyến khích tư nhân cùng góp phần với nhà nước trong việc quản lý, trùng tu xây dựng mới bảo tàng cũng như bảo tồn hiện vật. Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Vũ Quốc Hiền cho rằng, xã hội hóa cần đa dạng. Khuyến khích các hội nghề nghiệp tham gia cũng là cách làm mới. “Ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, các công ty, mạnh thường quân gồm những tỉ phú, triệu phú là tác nhân chính giúp hệ thống bảo tàng phát triển. Theo tôi, VN cần cơ chế thoáng hơn trong việc duy tu, bảo tồn hiện vật quý, để tư nhân đóng góp ý kiến cũng như góp sức vào việc gìn giữ, tôn tạo những gì cha ông đã để lại”, ông Hiền nói thêm.
Những người tiên phong
Trên thực tế, đến thời điểm này có thể nói Bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng) của Đoàn Huy Giao đã thành công khi “góp tiếng nói” vào hệ thống bảo tàng tư nhân của cả nước. Đồng Đình là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Trung, mất 10 năm xây dựng và mở cửa đón khách từ tháng 1.2011. Hơn 600 hiện vật gốm cổ của văn minh Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, Trung Hoa và các nước Đông Nam Á được trưng bày. Các hiện vật của dân tộc thiểu số, nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại cũng được đặt tại đây.
Hà Nội có Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt của ông Lâm Văn Bảng, một cựu tù Côn Đảo, lưu giữ 3.000 hiện vật quý hiếm của đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phục vụ tại bảo tàng là những ông già, cựu chiến binh mang thương tật. Họ thuyết minh bằng chính quãng đời đã trải qua với những câu chuyện có thật.
Bảo tàng tư nhân Hoàng Long ở Thanh Hóa của ông Hoàng Văn Thông có 6.000 cổ vật gồm cả những chiếc rìu đá cách đây hơn 2.500 năm, trống đồng, thạp đồng, kiếm đồng thời Đông Sơn, đĩa thời Lý, thạp hoa nâu thời Trần, và cả bát đồng thời Hán, đĩa gốm thời Minh (Trung Quốc)...
Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc thuộc sở hữu của ông Huỳnh Phước Huệ với hơn 2.000 hiện vật, trong đó có 1.100 cổ vật đã được thẩm định. Nơi đây trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong lẫn ngoài nước. Bảo tàng Vũ khí cổ (Vũng Tàu) của ông Robert Taylor (Anh) gồm 2.200 hiện vật có nguồn gốc từ phương Tây và cả phương Đông.
Ngoài ra còn phải kể đến các bảo tàng tư nhân khác như: Bảo tàng Gốm Vạn Vân (Hà Nội), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Y học cổ truyền VN (TP.HCM), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (Nam Định)…
Bảo tàng ở các nước đều có các museum shop - cửa hàng bảo tàng bán đồ lưu niệm cho du khách. Tuy nhiên khác với VN, các cửa hàng này không là nơi tổ chức hay cá nhân thuê mặt bằng để kinh doanh mà nhằm giới thiệu các mặt hàng liên quan đến hiện vật trong hệ thống trưng bày. Ví dụ, hiện vật phục chế từ mẫu gốc, mẫu quần áo mô phỏng trang phục các dân tộc, ấn phẩm, băng đĩa liên quan đến tác phẩm hội họa, điêu khắc… Các cửa hàng này còn nhằm hỗ trợ công tác giáo dục, nguồn thu giúp duy trì hoạt động của bảo tàng. Trong khi đó, đa số các cửa hàng lưu niệm trong khuôn viên bảo tàng ở nước ta không có sản phẩm gì khác biệt so với bên ngoài, ít hoặc chẳng có mặt hàng nào liên quan đến bảo tàng. |
Cần tạo điều kiện thông thoáng Theo ý kiến của những người trong cuộc, việc thành lập bảo tàng tư nhân hiện nay không đơn giản. Ông Đoàn Huy Giao nói: “Rất nhiêu khê khi nộp đơn xin thành lập bảo tàng tư nhân. Hiện vật phải được hội đồng di sản quốc gia thẩm định. Một số địa phương còn đòi hỏi trình bày nguồn gốc hiện vật cổ, không chấp nhận việc mua lại. Nhiều nhà quản lý vẫn coi việc mở bảo tàng tư nhân là hình thức đầu tư kinh doanh trong khi đa phần người thành lập bảo tàng vì lợi ích cộng đồng là chính”. |
Đỗ Tuấn
>> Lãng phí bảo tàng - Kỳ 3: Lười trưng bày chuyên đề
>> Lãng phí bảo tàng - Kỳ 2: “Vô hồn” vì thiếu tính nhân văn
>> Lãng phí bảo tàng
Bình luận (0)