Bạn có đồng ý cho rằng cần xem lãng phí cũng như tham nhũng
>> Chống tham nhũng, đừng nửa vời!
>> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng
>> Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng
>> Cần khuyến khích và bảo vệ người chống tham nhũng
Thật khó hình dung, một đất nước nghèo như chúng ta mà có tới hơn 8.000 lễ hội được tổ chức mỗi năm ở mọi cấp độ, từ cấp Nhà nước, cấp tỉnh, đến huyện rồi xã! Cứ cho rằng chúng ta cần quảng bá để thu hút cho ngành du lịch có điều kiện phát triển đi, song nếu như năm nào cũng tổ chức, dù rằng kinh phí được các địa phương "xã hội hoá" một phần đi nữa thì theo tôi, đó cũng là đồng tiền xương máu của doanh nghiệp, là đồng thuế được chắt chiu của biết bao con người tạo nên. Nó không phải là tiền tài trợ ở quỹ này, tổ chức kia của nước ngoài mà ta vận động được. Có ai thử làm con tính xem những khoản kinh phí chi cho lễ hội như vậy, ngân sách địa phương thu về được bao nhiêu? Liệu ngân sách nhà nước có phải chung vai gánh vác không?
Một doanh nghiệp "có máu mặt" ở một địa phương có lần đã nói với tôi về nỗi sợ hãi của mình mỗi khi tỉnh ông chuẩn bị tổ chức lễ hội. Ông nói rằng, "thể nào tỉnh cũng đè ông cùng vài anh làm ăn được, lại ngại từ chối nên ông chìa lưng ra gánh cho tỉnh". Ông bảo, nếu dăm ba năm mà làm một lần thì còn chịu nổi, chứ nếu năm nào cũng làm và lại bổ vào đầu một số người như ông thì oải cho cánh doanh nghiệp này quá!
Cách đây ít ngày, dư luận không khỏi sửng sốt trước sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử khi có con số đưa ra rằng Nhà nước phải bỏ ra tới 2 ngàn tỉ đồng phục vụ Festival, đến mức hết cả tiền để làm đường, để kéo điện về nông thôn... Đọc lại báo chí thì thấy nó đúng một phần, còn cũng có thứ trong khoản 2 ngàn tỉ chi đó là đầu tư cho cả xây dựng hạ tầng cũng như này khác phục vụ Festival Đờn ca tài tử: Nào là Quảng trường Hùng Vương: 118 tỉ đồng; Cột cờ Quảng trường: 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp: 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED: 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực Quảng trường: 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật và biểu tượng ba dân tộc: 6,7 tỉ đồng; cây đờn kìm cách điệu: 20 tỉ đồng (thật là khủng khiếp!); trung tâm Hội chợ triển lãm: 67 tỉ đồng và đặc biệt là cái Nhà hát Ba nón lá, tỉnh chi tới 222 tỉ đồng, mà không hề được sử dụng giờ nào trong Festival vì làm không kịp tiến độ.
Quả là đáng buồn lòng! Chẳng vậy mà khi về dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải phàn nàn về chủ trương này. Ông nói: "Trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường. Hoặc chọn việc kéo điện cho 371 tuyến dân cư đang chưa có điện. Nghèo, nhà không có điện, làm sao hát hò được các đồng chí?". Rồi ông hỏi vọng xuống: "Đồng bào có chấp nhận không trong điều kiện khó khăn quá thế này?".
Dư luận rất bất bình bởi cái tư duy sài sang mà hình như Bạc Liêu "vốn có truyền thống", có cốt cách của thời công tử Bạc Liêu năm xưa đã làm khiến cả nước "ngưỡng mộ"?
Một chuyện khác, Hà Nội dự kiến chi 5,5 triệu USD để xây dựng dăm nhà chờ xe buýt thông minh cỡ 5 sao ở các trục đường lớn là việc làm cũng là cần thiết cho bộ mặt thủ đô có vẻ hơi nhếch nhác lâu nay. Song với số tiền chi khoảng 20 tỉ cho mỗi trạm chờ như thế vào lúc này cũng là sự lãng phí nên xem lại khi mà, cũng ở lĩnh vực giao thông công cộng, thủ đô còn biết bao việc chúng ta chưa làm, còn bỏ trống. Ví dụ, tuy đã sáp nhập Hà Tây về Hà Nội rất lâu mà sao suốt từng đó năm, trước bao điều ca thán của người lao động, các tuyến đường xe buýt nối Hà Tây với Hà Nội sao vẫn không hề được hưởng chế độ trợ giá phương tiện vận chuyển khách công cộng như các vùng thuộc Hà Nội cũ vẫn được áp dụng? Nếu Hà Nội có nhiều tiền thì theo tôi cũng sẽ tính xây dựng các trạm xe buýt như đang tiến hành, còn chưa có điều kiện thì lẽ ra cũng nên cân nhắc cái gì nên làm trước, cái gì nên gác lại làm sau, chờ khi có điều kiện hãy làm...
Có nhiều dư luận cho rằng, "vẽ dự án" giỏi để mà xin được tiền cũng phải có "nghệ thuật". Nghệ thuật xin được tiền ngân sách (không phải ai cũng có đầu óc nghĩ ra) mà để được duyệt chi cho làm cũng là cả một chặng đường gian nan không kém. Đó là chưa kể cũng phải "có đi có lại" thì người ta mới chuẩn chi nhanh cho. Vậy là cũng có thể hiểu phần nào vì sao chúng ta thấy có nhiều công trình chưa thật cần thiết phải làm mà ngân sách vẫn được rót cho. Phải chăng, ở đây, nó cũng có "quan hệ họ hàng" giữa lãng phí và tham nhũng? Chính vì vậy, theo tôi, tệ lãng phí trong chi tiêu cũng cần xem như tệ tham nhũng cần chống.
H.TH (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Bình luận (0)