Lãng phí công sở bỏ hoang: Rà soát từng tài sản, làm rõ trách nhiệm

26/10/2023 06:30 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng để xử lý tình trạng hàng loạt trụ sở cơ quan cũ bị bỏ hoang nhiều năm, trước mắt phải rà soát lại toàn bộ để có thể chuyển đổi, cho thuê, đấu giá...

Cạnh đó, cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với từng cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là người đứng đầu.

Lãng phí vô cùng lớn !

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định đây không phải vấn đề mới mà đã đặt ra cách đây nhiều năm. Khi các đơn vị hành chính sáp nhập, sẽ có những nơi dôi dư, bỏ trống, chưa sử dụng. Về nguyên tắc, các xã, huyện nhập lại thì trụ sở của cơ quan được sáp nhập phải sử dụng sao cho hiệu quả; nếu không sử dụng thì phải đề xuất hóa giá, bán cho dân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, nhất thiết không để trống, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Tuy vậy, tình trạng trụ sở cũ bỏ trống còn rất nhiều. Có những trụ sở bỏ không cả chục năm sau khi sáp nhập, di dời, thậm chí còn cho thuê dịch vụ rồi lấy tiền nộp vào quỹ công đoàn chứ không nộp vào ngân sách nhà nước. Đây chính là lãng phí, cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn.

Lãng phí công sở bỏ hoang: Rà soát từng tài sản, làm rõ trách nhiệm - Ảnh 1.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chỉ ra luật Quản lý tài sản công đã quy định rất rõ các hình thức xử lý đối với tài sản công, trong đó có trụ sở cơ quan cũ. Hình thức có thể là cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng, đấu giá… "Vấn đề là chính quyền địa phương, các bộ, ngành chủ quản có xử lý đúng theo luật hay không", ông Vân nói và nhấn mạnh phải khẩn trương xử lý.

Nguyên nhân dẫn tới hàng loạt trụ sở cũ "đắp chiếu" nhiều năm thì có nhiều, nhưng theo một số chuyên gia, trong số này là do chưa tính toán được hết các tình huống xảy ra khi sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các đơn vị. Có nơi khi sáp nhập nhiều đơn vị sẽ dôi ra trụ sở cũ, một mặt cơ quan sau sáp nhập không đủ chỗ làm việc nên phải xây dựng mới, mặt khác trụ sở cũ trước đó lại bỏ không, xuống cấp, nghĩa là lãng phí tới 2 lần. Đáng nói, với hàng triệu mét vuông bỏ không, lãng phí là vô cùng lớn.

Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Về giải pháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần xem xét từng trường hợp, nơi nào còn sử dụng được thì bố trí cho đơn vị khác sử dụng, nếu cho thuê thì tiền thu được phải chuyển vào ngân sách chứ không thể nộp vào quỹ công đoàn. Trường hợp không thể sử dụng được nữa thì phải tiến hành quy hoạch, tổ chức đấu giá tài sản; tùy theo quy hoạch đã phê duyệt mà giao cho bên mua sử dụng vào các mục đích phù hợp như phát triển kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc công trình công cộng.

Cụ thể hơn, một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan giúp Chính phủ quản lý tài sản công - phối hợp với các bộ, ngành, UBND địa phương tổ chức kiểm điểm quá trình xử lý trụ sở dôi dư, tại sao tình trạng "đắp chiếu" vẫn tồn tại. Nhiệm kỳ nào không làm được thì phải xử lý nhiệm kỳ đó, kể cả đương chức hay đã về hưu. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Trao đổi với Thanh Niên về tình trạng trụ sở công hoang hóa, có lãnh đạo địa phương phân trần rằng phải "chờ quy hoạch". Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phải đánh giá thấu đáo những lý do được đưa ra. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng nếu có tác động sẽ chủ yếu ở mức độ quy hoạch chi tiết, chứ ảnh hưởng không nhiều đến quy hoạch tổng thể, bởi phần lớn các trụ sở cơ quan cũ đều nằm trong các khu vực, phân khu chức năng ổn định. Nếu có thay đổi, nghĩa là về quy hoạch chi tiết, thì đa số nằm trong thẩm quyền của địa phương. Theo ông Vân, Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra thực tế, xác minh tình trạng pháp lý từng tài sản, để xem lý do mà địa phương đưa ra có trung thực, chính đáng hay không. Trường hợp nại ra lý do để biện minh cho sự chậm trễ, chây ì thì báo cáo Thủ tướng, Chính phủ có hình thức xử lý kỷ luật.

Thực tế, các giải pháp được gợi mở ở trên không phải mới, đã được nói nhiều lần. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc để xảy ra tình trạng lãng phí trụ sở công thì trách nhiệm của người đứng đầu là đương nhiên, rất rõ ràng. Tuy vậy, ông Hòa cũng lưu ý cần xem xét tổng thể, đánh giá ngoài nguyên nhân chủ quan thì có khách quan nào không. Câu trả lời nằm ở chính quyền các cấp, nhất là cấp dưới, thông qua việc báo cáo cụ thể những vướng mắc, bất cập đang gặp phải, để cấp có thẩm quyền gỡ vướng. "Phải làm rốt ráo, trách nhiệm, chứ không phải thấy nhắc tới thì làm qua loa cho xong", đại biểu Hòa lưu ý.

Sẽ triển khai tổng kiểm kê tài sản

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74/2022 của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tính đến ngày 31.8.2023, tổng số cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại là 251.284. Trong đó, số cơ sở nhà, đất đã lập phương án sắp xếp lại, xử lý là 201.794; đã được phê duyệt phương án là 179.458; chưa được phê duyệt phương án là 71.826.

Thực hiện Nghị quyết số 74/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý và Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Hiện nay, dự thảo đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chuẩn bị tốt để triển khai việc tổng kiểm kê tài sản sau khi đề án được phê duyệt; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, có các văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.