Sự việc nói trên đang xảy ra tại Lâm Đồng khiến nhiều cử tri ở địa phương này quan tâm, bức xúc. Số liệu Sở Nội vụ Lâm Đồng đưa ra làm nhiều người chú ý: tổng số SV được tỉnh cử tuyển đi đào tạo đại học, cao đẳng đã tốt nghiệp ra trường từ năm 2002 đến tháng 4.2013 là 202 người và đã bố trí được 102 người, 100 người chưa bố trí, trong đó người dân tộc thiểu số là 92 người. Từ tháng 4.2013 đến nay bố trí thêm được hơn chục người (chủ yếu là số tốt nghiệp từ năm 2010 đến nay) và hiện còn 79 người chưa bố trí, trong đó có 73 người tốt nghiệp đại học...
Theo quy định, việc cử tuyển được thực hiện chặt chẽ: các sở, ban ngành và UBND huyện, thành phố căn cứ nhu cầu cán bộ của ngành, địa phương lập kế hoạch nhu cầu cử tuyển và kế hoạch bố trí sử dụng học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp gửi về Sở GD-ĐT để Sở GD-ĐT tổng hợp và trình UBND tỉnh quyết định đăng ký chỉ tiêu với Bộ GD-ĐT. Sau khi có thông báo của Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu cử tuyển, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương và giao cho Sở GD-ĐT hướng dẫn quy trình xét duyệt, tổng hợp kết quả và đề xuất UBND tỉnh thành lập Hội đồng cử tuyển cấp tỉnh. Sau khi Hội đồng này xét duyệt hồ sơ, UBND tỉnh ra quyết định cử học sinh đi học và Sở GD-ĐT được giao ký kết hợp đồng với cơ sở đào tạo cho từng năm học. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương phải có trách nhiệm bố trí công tác cho số SV cử tuyển theo kế hoạch khi cử tuyển đi học.
Dư luận không hiểu, tại sao quy trình chặt chẽ và có kế hoạch hẳn hoi như vậy, nhưng SV ra trường lại không được bố trí công tác? Việc này rõ ràng gây lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt số SV chưa được bố trí công tác nói trên học những ngành y dược, sư phạm, nông nghiệp, lâm nghiệp… mà chắc chắn rằng nhiều địa phương khác còn thiếu. Không chỉ vậy, ngân sách hằng năm giành cho việc cử tuyển này cũng lên đến tiền tỉ nhưng kết quả như vậy thì quả đúng là lãng phí.
Trả lời cử tri tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng cho rằng một trong những nguyên nhân trên là do sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT với Sở Nội vụ và các địa phương chưa chặt chẽ. “Một số địa phương cử đi đào tạo với số lượng nhiều, các ngành học không phù hợp hoặc ngành mà địa phương đã dư nguồn lực, do đó không thể bố trí vào đơn vị hành chính, sự nghiệp hoặc công chức xã, thị trấn; chưa gắn việc xây dựng kế hoạch bố trí SV cử tuyển tốt nghiệp ra trường với nhu cầu cử đi đào tạo”, ông Hùng giải trình.
Để giải quyết việc này, các ngành, địa phương cần có những động thái tích cực và hữu hiệu hơn để bố trí việc làm cho những SV cử tuyển này phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo. Đồng thời UBND tỉnh cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc cử tuyển để tránh những kiểu làm “cho có” trong việc cử tuyển như đã xảy ra này.
Gia Bình
>> Nâng cao chất lượng hệ cử tuyển
>> Đề nghị thay đổi chính sách cử tuyển
>> Nhiều sinh viên cử tuyển chưa có việc làm
Bình luận (0)