Đó là trăn trở lớn do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu ra khi chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa chiều qua (22.3).
Đội tàu phát triển nhanh nhưng không mạnh
Đặt "đề bài" cho hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đề: VN có thế mạnh về chiều dài bờ biển, gắn với rất nhiều cảng biển lớn, đa dạng trải từ đầu đến cuối đất nước. Hệ thống đường thủy nội địa cũng được "trời cho" trải dài ở cả ba miền, song những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, thị phần vận tải hiện nay rất đáng quan ngại. Đường bộ vẫn "thống lĩnh" với tỷ trọng vận tải hành khách gần như chiếm tuyệt đối, vận tải hàng hóa chiếm tới gần 80%. Các hãng tàu nước ngoài thì chiếm tới trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
"Với tất cả những lợi thế mà chúng ta đang có, ngành giao thông mong muốn thời gian tới phải nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng vận tải đường biển ven bờ và đường thủy nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất, tối thiểu chiếm tới 50% càng nhanh càng tốt. Chúng ta vẫn biết nếu nâng được tỷ trọng hàng hóa bằng đường biển thì sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Quan trọng nhất là giảm được tai nạn giao thông, giảm được số người chết và bị thương. Đây là điều Bộ GTVT rất trăn trở và mong nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương, đề xuất các giải pháp thiết thực, hành động thiết thực để tận dụng các lợi thế trời cho mà chúng ta đang sở hữu", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Ngay sau khi Bộ trưởng nêu vấn đề, rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng hải đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân lớn khiến vận tải đường biển bằng container còn chưa thể bứt phá là do đội tàu yếu.
Ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An, cho biết những người trong ngành rất tự hào khi VN có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng qua cảng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là trong 1.015 tàu vận tải thủy, chỉ có 48 tàu container. Trong đó, có nhiều tàu đã trên 25 tuổi và theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu, có thể sẽ không được vận chuyển.
Để duy trì phát triển đội tàu VN, theo ông Hải, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, ưu tiên phát triển tàu từ 1.700 TEU, là tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng. Song khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container. Bởi lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao từ 8 - 10%, trong khi các nước như Trung Quốc chỉ áp mức lãi suất 6%. Ngoài ra, thuế VAT nhập khẩu đội tàu cũng lên tới 10%.
"Nếu muốn phát triển đội tàu nhanh, mạnh, nhà nước cần có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container. Miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container. Đồng thời, tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ VN từ 15 lên 17 tuổi. Quản lý và điều chỉnh các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả cảng biển VN như phí tàu lai dắt, phí bốc xếp một cách đồng nhất, ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt... Không có đội tàu mạnh thì lợi thế lớn đến đâu cũng không thể khai thác được", ông Vũ Thanh Hải đề xuất.
Khơi thông ách tắc luồng tuyến
Bên cạnh các chính sách ưu đãi để phát triển đội tàu, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN (VSA), cho rằng đối với ngành hàng hải nói riêng thì việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để đồng bộ hạ tầng giao thông thủy, bộ là mấu chốt quan trọng để phát triển. Đơn cử, việc Bộ GTVT, Cục Hàng hải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nạo vét luồng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải để phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của cụm cảng nước sâu. Cho phép tiếp nhận được các "siêu tàu mẹ" lớn nhất thế giới cũng như thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia đóng góp vào các dự án công như nạo vét luồng Kênh Hà Nam xuống độ sâu -8,5 m tại khu vực Hải Phòng. Nhờ thế, trong năm vừa qua ngành hàng hải rất tự hào khi được ghi danh trên bản đồ hàng hải thế giới, là một trong 19 cảng biển có thể đón được siêu tàu container.
Các doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm của Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa trong việc phát lệnh khởi công Dự án nâng độ cao tĩnh không, xây mới 11 cây cầu đường bộ thuộc địa bàn các tỉnh ĐBSCL ngay từ đầu năm nay và nâng cấp cầu Đuống, nhằm đáp ứng cho tàu thuyền tăng khả năng vận tải, nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa bằng container khu vực, cắt giảm đáng kể chi phí logistics cũng như hướng đến vận chuyển xanh.
Phát triển ngành hàng hải chính là giải pháp xanh mà VN cần hướng tới để bắt nhịp với xu hướng toàn cầu. Từ đó, ông Phạm Quốc Long đề nghị Bộ GTVT tiếp tục tăng cường công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng trọng điểm quốc gia như tại khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải; đảm bảo duy trì độ sâu luồng Kênh Hà Nam luôn ở mức -8,5 m, đồng thời nghiên cứu mở rộng luồng kênh lên 120 m theo Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng mật độ lưu thông hai chiều được thuận lợi, tạo sức hút cho cụm cảng Hải Phòng, cắt giảm chi phí logistics quốc gia. Đây là công tác cần ưu tiên hàng đầu vì sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng Hải Phòng tăng đáng kể qua từng năm, hiện chiếm 33% sản lượng hàng hóa toàn quốc nhưng luồng chỉ rộng 80 m và lưu thông một chiều, các tàu phải chờ nước rất lãng phí.
Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung thêm quy hoạch và đầu tư hệ thống cảng thủy nội địa, kho cảng cạn, ICD, Depot... tại các khu kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ để tập kết hàng hóa từ các khu công nghiệp, tăng cường kết nối hàng hóa đi/đến các cảng biển, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với trong khu vực.
Sau khi lắng nghe, giải đáp và tiếp thu ý kiến của từng doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các vụ, cục tiếp nhận, nhanh chóng giải quyết các nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, hiệp hội, đảm bảo tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để vận tải thủy và hàng hải sẽ có bước phát triển mới đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trước phản ánh của doanh nghiệp về tình trạng các hãng tàu nước ngoài liên tục đơn phương tăng phí, phụ thu, Cục trưởng Cục Hàng hải Lê Đỗ Mười cho biết Cục đã làm việc với các hãng tàu. Các hãng tàu lớn đã cam kết không tăng giá, đồng thời một số hãng tàu sẽ giảm giá trong thời gian sớm nhất, có thể từ ngày 1.4 tới. Về lâu dài, Bộ GTVT đang kiến nghị Bộ Tài chính để sửa Quy định 146; tham mưu sửa Nghị định 158, yêu cầu các hãng tàu phải đăng ký các tuyến cố định; cơ quan quản lý không cho phép hãng tàu đơn phương tăng giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Bình luận (0)