Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, nguyên nhân chính là do sự đầu tư thiếu đồng bộ. Đó là một công trình nhưng có 2 giai đoạn đầu tư, trong đó Sở NN-PTNT đầu tư giai đoạn 1 với các hạng mục chính, gồm: các giếng khoan khai thác nước ngầm, hệ thống thu gom và xử lý nước, hệ thống cung cấp điện, đường ống chính cung cấp nước sạch; giai đoạn 2 do các huyện đảm nhận xây dựng các tuyến ống kết nối từ đường ống chính đến hộ dùng nước.
Tuy nhiên, khi các huyện hoàn thành việc đầu tư giai đoạn 2 thì thiết bị, đường ống đầu tư ở giai đoạn 1 đã hỏng. Chính vì thế nhiều công trình nước sạch với số vốn lên đến hàng tỉ đồng không đưa vào sử dụng được. Cụ thể công trình cấp nước sạch xã Hành Đức, H.Nghĩa Hành xây dựng từ năm 2003 với kinh phí giai đoạn 1 là 2,2 tỉ đồng. Đến năm 2007, H.Nghĩa Hành đầu tư xong giai đoạn 2 với số vốn gần 1 tỉ đồng nhưng rốt cuộc công trình đành bỏ hoang, trong khi người dân vẫn khát nước sạch. Ngoài ra, nhiều công trình cấp nước sạch ở xã Tịnh Hà (H.Sơn Tịnh), Nghĩa Hòa (H.Tư Nghĩa) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
|
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, do việc khoan thăm dò không đúng quy trình nên sau khi đưa vào sử dụng vỏn vẹn chỉ được 6 tháng thì “đứng bánh” vì phát hiện nguồn nước nhiễm phèn với hàm lượng sắt trong nước quá cao so với tiêu chuẩn cho phép. Thế là, 10 năm qua, công trình nước sạch có số vốn gần 800 triệu đồng này bị “trùm mền” và 3 cá nhân gồm giám đốc, trưởng phòng kỹ thuật và chuyên viên trực tiếp theo dõi công trình của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Quảng Ngãi bị kỷ luật với mức khiển trách.
Ông Phan Bình, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành, cho rằng đầu tư xây dựng dự án nhưng cơ quan chức năng không tính đến hiệu quả. “Công trình cấp nước sạch xã Hành Đức giao cho địa phương nhưng bây giờ muốn sửa chữa những thiết bị của giai đoạn 1 cũng không thể được, vì đi tìm khắp nơi trên cả nước không có bán phụ tùng thay thế”, ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Ngãi: “Công trình cấp nước sạch xã Tịnh Hà khi tiến hành bàn giao giai đoạn 1 cho huyện thì đã hư hỏng hết. Do vậy Sở NN-PTNT phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc khắc phục”. Còn ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận: “Vấn đề lãng phí công trình nước sạch cần phải đánh giá tỉ mỉ, làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Nếu khắc phục mà phát huy được hiệu quả thì ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư. Còn nếu không chẳng khác nào vứt tiền qua cửa sổ, biến công trình nước sạch thành máy tiêu tiền của nhà nước và nhân dân”.
Hiển Cừ
>> Thêm một bệnh viện tiền tỉ bị bỏ hoang
>> Bệnh viện bỏ hoang vì thiếu nước
>> Hà Nội cân nhắc đánh thuế biệt thự bỏ hoang
>> Nhiều công trình cấp nước bị bỏ hoang
Bình luận (0)