Lăng kính bạn đọc

Lãng phí từ các bãi tạm giữ xe vi phạm

Đình Huân
Đình Huân
(tổng hợp)
14/01/2024 06:57 GMT+7

Nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng tính toán để có phương án xử lý tốt hơn đối với các xe vi phạm chứ để như hiện nay quá lãng phí và rất nguy hiểm vì nguy cơ cháy nổ cao, ô nhiễm môi trường...

Như Thanh Niên đã thông tin, tại buổi họp báo KT-XH định kỳ của UBND TP.HCM vừa qua, báo chí đặt vấn đề nhiều tháng trở lại đây, TP.HCM mở cao điểm xử lý nồng độ cồn. Nhiều tài xế bỏ xe thay vì đóng phạt, việc này dẫn đến sự gia tăng lượng xe tạm giữ ở các kho xe tang vật, vi phạm hành chính. Trả lời, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, lực lượng CSGT TP.HCM ra quân thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là xử lý chuyên đề liên quan nồng độ cồn.

Nhiều người say xỉn bỏ xe, bãi tạm giữ của CSGT quá tải

Thống kê cho thấy năm 2023, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm. Trong đó, tạm giữ 1.537 ô tô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh. Trong số các trường hợp vi phạm, có 128.149 trường hợp điều khiển ô tô, mô tô vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,67% tổng số vi phạm về giao thông).

Lãng phí từ các bãi tạm giữ xe vi phạm- Ảnh 1.

Xe máy vi phạm bị tạm giữ tại kho do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM quản lý

Ngọc Dương

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết do mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe. Thế nên, không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi. Dù lực lượng CSGT TP.HCM đã cố gắng sắp xếp các phương tiện, tang vật vi phạm hành chính tại các kho, bãi nhưng hiện nay, diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nhiều đơn vị CSGT còn tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ phương tiện vi phạm.

Rất lãng phí

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc phạt nặng các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, việc chưa có giải pháp tối ưu để xử lý đối với xe vi phạm cũng khiến nhiều BĐ lo ngại. "Tôi vẫn giữ quan điểm phạt nặng những trường hợp lái xe có nồng độ cồn. Đôi khi sự vô ý thức này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh nên nếu không có biện pháp xử lý triệt để thì sẽ trở thành mối đe dọa đối với mọi người. Tuy nhiên, việc xử lý xe vi phạm sau đó cũng cần xem xét để tránh lãng phí. Nhiều khi giam xe như vậy cũng không phải cách tối ưu. Nội chi phí sân bãi hay nguy cơ cháy nổ đã là bài toán cần phải giải", BĐ Nguyễn Nam ý kiến.

Cùng quan điểm, BĐ Quốc Nguyên cho rằng đây là minh chứng cho thấy tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Phải chăng các mức phạt chưa đủ răn đe? Tại sao chúng ta không nghĩ đến mức xử lý nặng hơn để làm gương. Chứ để tình trạng xe chất đống như vậy không phải cách. Những xe để quá thời hạn quá lâu tốt nhất ra luật cho phép bán đấu giá, sung vào công quỹ, hoặc gửi tặng những hoàn cảnh khó khăn", BĐ này ý kiến thêm.

Còn BĐ Võ Tuyên viết: "Tôi ủng hộ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhưng phải tính toán chuyện xử lý xe vi phạm sao cho hợp lý, hiệu quả. Chứ như hiện nay thì vừa tốn diện tích, vừa nguy cơ cháy nổ cao. Vậy thì lãng phí quá".

Cần có phương án xử lý tốt hơn

Nhiều BĐ cho rằng nếu chủ trương xử lý thật nghiêm vi phạm nồng độ cồn thì cũng cần có phương án thực thi và giải quyết hiệu quả hơn. "Cần thay đổi thời gian giữ xe vi phạm ngắn lại và có biện pháp xử lý khác thuyết phục hơn. Xe máy mà chất đống như vậy vừa tốn sân bãi, vừa tốn chi phí sửa chữa sau này. Tôi nghĩ nên đặt ra thời hạn giữ xe, nếu qua thời gian quy định thì sung vào công quỹ hoặc làm từ thiện", BĐ Phương Nguyễn nêu quan điểm.

"Tạm giữ giấy tờ xe, CCCD báo về địa phương thu phạt. Ai không đóng đúng thì cứ tính theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước", BĐ Khoa Nguyễn đề nghị.

"Giam xe thì bỏ xe, giữ giấy phép thì vẫn lái xe không cần giấy kiểu bất chấp, tốt nhất là bắt lao động công ích. Nếu đối tượng trốn tránh nghĩa vụ thì phạt tù ngắn hạn, và đặc biệt là khi đã vi phạm nồng độ cồn thì tạm giữ 12 tiếng nếu nồng độ cồn trong khí thở từ 0,2 trở lên", BĐ C.B thẳng thắn.

Nên giữ phương tiện vài ngày, sau đó xử lý theo hướng cho lấy xe ra nhưng vẫn giữ đăng ký xe, tháo biển số, chuyển thông tin xử phạt về công an địa phương xử lý tiếp.

Trần Phong

Nên giữ giấy tờ xe, tháo biển số. Sau đó theo thông báo xử lý vi phạm, nếu quá hạn mà không đến giải quyết thì thanh lý phế liệu sung công, nhất là các xe đã cũ, người vi phạm không muốn nhận lại.

Trịnh Cường


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.