Lãng phí vì có tiền nhưng không dùng

02/06/2023 06:09 GMT+7

Sự ách tắc, trì trệ từ những bất cập chính sách, pháp luật, quy trình thủ tục cho tới tình trạng sợ sai, không dám làm của cán bộ, công chức không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn gây ra lãng phí về thời gian, cơ hội, và quan trọng hơn nữa là lãng phí niềm tin.

1 triệu tỉ đồng "nhốt" trong ngân hàng lãng phí bao nhiêu?

Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) chiều 1.6, nhiều đại biểu (ÐB) bày tỏ sốt ruột với tình trạng lãng phí đang diễn ra trong nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.

Lãng phí vì có tiền nhưng không dùng - Ảnh 1.

ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam, trái), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

GIA HÂN

Băn khoăn với tình trạng chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ÐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nói dù Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, có hàng trăm chỉ thị, thành lập nhiều tổ công tác để đôn đốc thực hiện nhưng việc phân bổ, giải ngân không đạt yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực. Hiện tổng số vốn chưa được phân bổ và giao của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi kinh tế lên đến 444.143 tỉ đồng.

Ðặc biệt, vẫn còn hơn 1 triệu tỉ đồng ngân sách nhà nước đang bị "nhốt" trong ngân hàng "chờ các dự án đủ thủ tục". Nếu cộng cả vốn chưa phân bổ và chưa giải ngân thì tổng số tiền theo kế hoạch còn tồn là khoảng 1,5 triệu tỉ đồng. "Cử tri đặt câu hỏi, khoảng 1 triệu tỉ đồng bị "nhốt" ở ngân hàng và hơn 440.000 tỉ đồng vốn chưa phân bổ đang bị "nhốt" trong các cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương chưa trình phân bổ, thì gây lãng phí là bao nhiêu?", ông Khải nêu.

Không phải tới phiên thảo luận chiều qua, câu chuyện cả triệu tỉ đồng ngân sách chưa tiêu được phải gửi tại các ngân hàng (để hưởng lãi suất chỉ 0,8%/năm) đang trở thành "cục máu đông" gây ách tắc nền kinh tế đã là đề tài được nhiều ÐB bàn luận trong hơn 1 tuần qua.

Đại biểu Trần Văn Khải: “Lãng phí niềm tin của nhân dân nếu sợi dây kinh nghiệm cứ dài vô tận”

Quá sốt ruột, ÐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đề nghị có thể linh hoạt bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động. Ông Tuấn cho rằng, nếu làm như vậy sẽ kích hoạt nền kinh tế, đưa vốn chưa sử dụng vào nền kinh tế thì "sẽ ổn định hơn, sẽ kích cầu hơn".

Không đưa ra đề xuất như ÐB đoàn TP.HCM, song ông Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa VN, nói không hiểu được lý do tại sao DN, các dự án đầu tư công đang thiếu tiền lại để tồn dư cả triệu tỉ trong ngân hàng để hưởng lãi suất 0,8%/năm, trong khi vẫn phải đi vay. "Nguồn tiền này có thể dùng hay không thể dùng? Nếu không thể phải tìm cách cho nó có thể dùng. Chúng ta cứ bằng chuyên môn thuần túy để giữ tiền này là không được", ông Thân nói.

Trong cả 2 lần giải trình về vấn đề này trong ngày 1.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc nói hơn 1 triệu tỉ đồng tồn dư đang nằm trong các ngân hàng là tiền đã được bố trí nhiệm vụ chi cụ thể, đã có trong dự toán ngân sách nhà nước được QH, HÐND các tỉnh phê chuẩn nên không thể lấy để chi cho việc khác. Ðây chỉ là nguồn nhàn rỗi tạm thời do đã dự toán chi cho đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia hay quỹ cải cách tiền lương… nhưng chưa sử dụng được. "Hiến pháp quy định khoản chi phải nằm trong dự toán. Nếu muốn thay đổi phải trình lại QH", ông Phớc nói, song cho biết 90% trong hơn 1 triệu tỉ đồng tồn dư nói trên là tại ngân sách của các địa phương.

Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì sự lãng phí nằm ở việc có tiền nhưng không dùng chứ không phải là chưa biết dùng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng ấy vào việc gì. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ÐT Nguyễn Chí Dũng, trong cả 2 lần giải trình ngày 1.6 tại QH, liên tục nhắc lại rằng "đây là vấn đề bức xúc kéo dài và đã được báo cáo nhiều lần".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “1 triệu tỉ đồng kẹt trong ngân hàng là chưa chi hết, không thể chi việc khác”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chính và tồn tại từ lâu là việc chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần, sự vào cuộc của người đứng đầu có vấn đề hạn chế. Giải pháp ông Dũng đưa ra là sẽ rà soát lại quy định của pháp luật, nhất là trong các nghị định hướng dẫn luật Ðầu tư công. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm sang các dự án có điều kiện làm nhanh. Ông Dũng cũng nhấn mạnh cần điều chuyển các cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vì đây cũng là nguyên nhân lớn gây chậm trễ.

Cũng sốt ruột, Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc nói phải sớm thiết kế lại luật Ðầu tư công chứ không thể để năm nào cũng đưa ra QH nói giải ngân đầu tư công chậm. Theo ông, khâu chuẩn bị đầu tư quá lâu nên mới dẫn đến sự chậm trễ. "Phải có cách nào để đầu tư công không phải năm nào cũng phải đưa ra QH để thảo luận vì chậm trễ", ông Phớc nhấn mạnh.

Lãng phí niềm tin là mất mát lớn nhất, không thể đo đếm

Song, lãng phí không chỉ là tiền. Nhiều ÐB thẳng thắn chỉ ra sự ách tắc, trì trệ từ những bất cập chính sách, pháp luật, quy trình thủ tục cho tới tình trạng sợ sai, không dám làm của cán bộ, công chức… đang gây ra những lãng phí lớn hơn. Ðó là lãng phí về thời gian, lãng phí về cơ hội và quan trọng hơn nữa là lãng phí niềm tin.

ÐB Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Lập pháp QH, cho rằng sự thay đổi đột ngột về chính sách đầu tư năng lượng tái tạo khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, nguy cơ phá sản là lãng phí trong chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Theo ông Hiển, số dự án không kịp vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm phải đàm phán với Tập đoàn Ðiện lực VN (EVN) theo khung giá phát điện của Bộ Công thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn tới 29% so với giá FIT.

Hệ quả là một lượng lớn sản lượng điện gió, điện mặt trời không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí và đẩy nhà đầu tư điện tái tạo vào cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản.

Theo ông Hiển, về lâu dài, việc này có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. "Từ thời điểm trễ hẹn giá FIT đến thời điểm hiện nay, có trên 4.600 MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng, trong khi chúng ta đang thiếu điện và phải mua của nước ngoài", ông Hiển nói.

ÐB Trần Văn Khải cho rằng sự lãng phí còn rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung. Ông Khải dẫn chứng kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho thấy, 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc; các sở, ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022. Trong khi đó, chính Bộ trưởng Bộ KH-ÐT Nguyễn Chí Dũng đã nói "thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới".

ÐB đoàn Hà Nam dẫn số liệu trong năm 2022 số DN rút khỏi thị trường là 143.000 DN. Bình quân 1 ngày có khoảng 400 DN rút khỏi thị trường. Riêng quý 1/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số DN đóng cửa đã vượt số DN đăng ký mới. "Phải chăng hàng nghìn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm nghìn DN đến cảnh khốn cùng như thế?", ông Khải nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: "Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, DN và đất nước là bao nhiêu?".

Nhưng điều đáng nói hơn cả là những ách tắc, trì trệ đang gây ra nhiều lãng phí không phải không được nhận diện, song lại chậm được khắc phục. "Với chiều dài vô tận của sợi dây rút kinh nghiệm, sẽ lãng phí niềm tin của nhân dân, cộng đồng DN, những người đang chắt chiu từng đồng thuế để trả lương cho bộ máy của chúng ta. Lãng phí vô hình này là lãng phí lớn nhất, mất mát nhiều nhất, lớn hơn mọi lãng phí khác có thể cân, đong, đo, đếm được", ÐB Trần Văn Khải khái quát.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB chưa từng có trong lịch sử"

Lãng phí vì có tiền nhưng không dùng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Điện tái tạo "không có cái nắng, cái gió thì phải có cái đó chen vào"

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.