Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

14/04/2023 06:34 GMT+7

Sáng 13.4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng, đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan T.Ư về giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 giao cho 17 đơn vị này là trên 38.319 tỉ đồng. Tuy nhiên, hết quý 1, tổng số giải ngân mới chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó có 13 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%); còn lại 4 bộ, cơ quan đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Chính phủ giao.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, tổng số vốn đầu tư công được giao cho 17 bộ, ngành không lớn (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số vốn đầu tư công cả nước). Tuy nhiên, tiến độ giải ngân thực tế hết quý 1 của các đơn vị này là "rất chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân".

Lý giải tỷ lệ giải ngân thấp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2023, NHNN được giao 24.283 tỉ đồng. Trong đó, chỉ có 318,9 tỉ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng (xây dựng Nhà máy in tiền quốc gia và 2 công trình nhà ở của 2 trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM), hiện đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch.

Số vốn còn lại 23.965 tỉ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, nhưng quá trình giải ngân "không được như mong muốn". Điều này do nhiều nguyên nhân như quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi…; đặc biệt là tiêu chí doanh nghiệp phải "có khả năng phục hồi" mới được cho vay, tiêu chí này rất khó xác định. Sau 2 năm triển khai chương trình, tổng giải ngân mới được 330 tỉ đồng trên tổng số 40.000 tỉ đồng. NHNN đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân tối đa; nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể.

Cùng ngày, tại Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã làm việc với các tỉnh, thành để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì tại điểm cầu chính ở Phú Yên, gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và kết nối trực tuyến đến các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã nêu một số khó khăn và kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, nhiều nội dung được quan tâm như: giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng công trình trọng điểm cao tốc Bắc - Nam và các dự án tại địa phương. Các tỉnh, thành cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài nguồn vốn đầu tư công năm 2022…

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương còn lại khẩn trương thực hiện các quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án. Trước ngày 20.4, các tỉnh, thành phố phải báo cáo những dự án cần kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 4.2023.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 14.4: Sẽ cấp sổ hồng trực tuyến | Hyundai đầu tư 18 tỉ USD cho xe điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.