Làng tái chế giấy lớn nhất miền Bắc ngày ngày 'bức tử' môi trường

Làng tái chế giấy lớn nhất miền Bắc ngày ngày 'bức tử' môi trường

Đình Huy
Đình Huy
01/05/2024 21:14 GMT+7

Nước thải, rác, khói bụi... từ các cơ sở sản xuất, tái chế giấy trên địa bàn phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đang ngày ngày gây ô nhiễm, 'bức tử' môi trường ở địa phương này.

Môi trường bị "bức tử"

Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, những ngày gần đây, tại làng giấy Phong Khê (P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh) hàng chục cột khói đua nhau xả thẳng lên trời khiến không khí nơi đây trở nên ngột ngạt.

Làng tái chế giấy lớn nhất miền Bắc vẫn ngày ngày 'bức tử' môi trường

Đi sâu vào bên trong ngôi làng, những cơ sở sản xuất giấy vẫn đang hối hả làm việc. Thậm chí, có xưởng ở bên ngoài đóng cửa nhưng không giấu được tiếng phát ra từ những chiếc máy công suất lớn. Mỗi ngày, làng giấy có hàng trăm lượt xe tải chở hàng ra, vào. Nhờ sản xuất giấy, đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường.

Dọc theo những con đường, ngõ xóm quanh làng nghề Phong Khê, đâu đâu cũng thấy các cống, rãnh mang dòng nước có màu sắc vàng óng hoặc đen ngòm chảy ra, bốc mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, nước thải chảy qua cống thoát nước mưa, đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê khiến con sông vốn đã ô nhiễm nhiều năm, nay càng trở thêm nghiêm trọng.

Nước sông Ngũ Huyện Khê lại đổ thẳng ra sông Cầu (TP.Bắc Ninh) khiến hàng nghìn người dân sống 2 ven bờ sông phải khốn khổ. Nhiều cơ quan chức năng cấp địa phương đã vào cuộc nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Làng tái chế giấy lớn nhất miền Bắc ngày ngày 'bức tử' môi trường- Ảnh 1.

Sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm nay, cỏ mọc xung quanh cũng không sống được

ĐÌNH HUY

Người bình thường đi vào làng Phong Khê không thể chịu đựng không khí ngột ngạt nơi đây quá 10 phút. Vậy mà hàng trăm hộ dân ở đây phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn cùng với nguồn nước ô nhiễm.

Bà T.T.T (trú TP.Bắc Ninh) bức xúc cho biết, nhiều năm nay, gia đình bà và những hộ dân xung quanh phải chịu ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm trên sông Cầu. Bà chỉ rõ nguyên nhân là dòng nước đen ngòm tại sông Ngũ Huyện Khê đổ ra, hòa vào nước sông Cầu gây ô nhiễm.

"Chúng tôi đã chịu cảnh ô nhiễm này nhiều năm rồi, dù đã có nhiều kiến nghị lên phường, thành phố nhưng đâu vẫn vào đó", bà T. nói.

Giống như bà T., bà L. (trú xã Phú Lâm, H.Tiên Du) cho biết, sông Ngũ Huyện Khê đã ô nhiễm gần chục năm nay là dòng sông chết bởi nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trực tiếp đổ ra. Dòng sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp, là tuổi thơ của hàng nghìn người dân nhưng giờ chỉ còn lại trong ký ức.

"Lỗi của cả làng"?

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại P.Phong Khê, ông Đặng Văn Đường, Trưởng phòng Môi trường (Sở TN-MT) TP.Bắc Ninh, cho biết UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra những văn bản, quyết liệt xử lý các hành vi gây ô nhiễm.

Làng tái chế giấy lớn nhất miền Bắc ngày ngày 'bức tử' môi trường- Ảnh 2.

Một góc các xưởng sản xuất giấy tại P.Phong Khê

ĐÌNH HUY

Hiện nay, P.Phong Khê có gần 300 cơ sở sản xuất, tái chế giấy, xã Phú Lâm (H.Tiên Du) có 29 cơ sở. Về bản chất, Phong Khê trước đây chỉ là làng nghề làm giấy dó truyền thống. Theo thời gian và nhu cầu xã hội, các cơ sở chuyển đổi dần hình thức kinh doanh.

Ông Đường tiết lộ, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương triển khai Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Phong Khê giai đoạn 2022 - 2030, các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo đề xuất trong đề án tổng thể (có lộ trình cụ thể và phương pháp thực hiện việc dừng hoạt động theo lộ trình của các cơ sở)... Trong đó, các cơ sở tái chế, sản xuất giấy mà hoạt động trên đất không cho phép thì đến 31.12.2024 phải dừng hoạt động.

Khi được PV Báo Thanh Niên cung cấp những hình ảnh gây ô nhiễm tại P.Phong Khê, ông Đường cho rằng, đây là ý thức của người dân và các hộ sản xuất. Khi cán bộ đến kiểm tra thì các cơ sở đều chấp hành nghiêm nhưng khi cán bộ rời đi thì "đâu lại vào đấy".

"Việc khó xử lý là do đây là nơi cả làng làm, chứ không phải 1, 2 cơ sở. Bên cạnh đó, do người dân trong làng không phản ánh khiến lực lượng chức năng khó nắm bắt thông tin. Khi được cán bộ hỏi về tình trạng ô nhiễm thì người dân cho rằng bản thân họ không thấy ô nhiễm", ông Đường nói.

Cũng theo ông Đường, việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ dễ dàng hơn xử lý các cơ sở nhỏ lẻ bởi khi nhận được thông tin có cán bộ xuống kiểm tra, các cơ sở sẽ trốn tránh, thậm chí đóng cửa, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xuống làm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.