Lãng tử thích vẽ trên phố núi mờ sương

31/10/2018 11:50 GMT+7

Tuy được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật và bắt đầu vẽ cách đây hơn bốn chục năm, có nhiều tác phẩm được người mua trân quý trên cả nước, từ Bắc vô Nam nhưng ông Anh Sơn vẫn không muốn tự gọi mình là họa sĩ.

Tự động phát

Họa sĩ Anh Sơn - Người vẽ tình yêu Đà Lạt

Bước vào một quán cà phê ven đường, vừa ngồi xuống ghế ông đã gọi mua một tờ vé số và vui vẻ giải thích với tôi: "Mua vé số có 3 cái lợi. Thứ nhất, đóng góp ngân sách. Thứ hai, làm người bán vé số vui, giúp họ sớm về nhà. Thứ ba, bản thân mình cũng thắp lên một tia hi vọng nhỏ". Nghe đoạn, tôi chợt nhận ra sao mình "nghèo quá". Mua vé số trước nay tôi chỉ nghĩ giúp cho người bán vé số thôi chứ bao giờ hi vọng hay thấy mình đóng góp được gì.

Người đàn ông đã ngoài lục tuần có vẻ ngoài khá trẻ so với tuổi nheo mắt châm một điếu thuốc, nhả khói mờ ảo. Ông chậm rãi kể về chuyện ông yêu phụ nữ ra sao. Nhiều người viết về phụ nữ rồi nhưng ông sẽ viết theo cách riêng. Viết cho đàn ông đọc. Ông thấy nhiều người đàn ông còn chưa biết yêu người phụ nữ của mình đúng cách, nhậu hoài.

Họa sĩ Anh Sơn Ảnh: Nhật Diễm

Ông kể đã từng đi xe máy từ Nam ra Bắc để tìm mùa thu Hà Nội. Bao ngày mắc võng dưới tán thông già chờ một khoảnh khắc thu Đà Lạt. Ông bảo thu Đà Lạt kín đáo lắm, không dễ thấy đâu. Một người nghệ sĩ để đi tìm mùa thu Đà Lạt thì phải chắt lọc hết tâm hồn của mình vì nó nhẹ như cung tơ chiều và bàng bạc như mây. Bạn muốn tìm thấy mùa thu, đặc biệt là mùa thu Đà Lạt thì bạn phải tìm được sự đồng cảm giữa mình với thiên nhiên. Bạn phải hòa mình với gió, với mây trời, với sự se lạnh, lắng nghe từng bước chân của mình trên phố, trên dốc cao. Không bao giờ mùa thu đến với bạn khi bạn chưa tìm đến mùa thu bằng trái tim và tâm hồn trong sáng. Một năm có ba tháng thu, trong đó có một tuần thu rất đẹp, trong một tuần có một ngày thu rất đẹp. Trong một ngày thu lại có một khoảnh khắc thu rất đẹp. Ông cho rằng khoảnh khắc đó đong đầy cảm xúc dành cho những người nghệ sĩ như ông.

Cuối thu, sang Đông Đà Lạt được nhuộm vàng rực rỡ bởi sắc hoa dã quỳ chứ không phải màu lá úa buồn thảm. Họa sĩ Anh Sơn khẳng định: "Đoàn Chuẩn Từ Linh viết Thu quyến rũ là viết về thu Đà Lạt đó". Nói đoạn, ông nghêu ngao hát: "Anh mong chờ mùa Thu /Trời đất kia ngả màu xanh lơ/ Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa/ Bên những bông hồng đẹp xinh". 

Họa sĩ Anh Sơn tại phòng làm việc Ảnh: Nhật Diễm

Họa sĩ Anh Sơn tên thật là Võ Đắc Kỳ. Sở dĩ ông chọn họa danh Anh Sơn là vì tên thường gọi của ông là Sơn, vợ ông hay gọi ông là Anh Sơn. Ông muốn mỗi lần ký vào tranh mình vẽ lại nhớ tới vợ.

Tuy được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật và bắt đầu vẽ cách đây hơn bốn chục năm, có nhiều tác phẩm được người mua trân quý trên cả nước, từ Bắc vô Nam nhưng người đàn ông này vẫn không muốn tự gọi mình là hoạ sĩ. Ông giải thích vì "cái tôi" mang tâm hồn và phong cách của ông trong tranh vẫn hiện hữu đó còn "cái tôi" bản ngã cho mình là nhất của ông thì mất rồi. Tranh ông vẽ không cưỡng cầu bán được nhanh hay tham gia nhiều triển lãm. Ông vẽ vì tình yêu với nơi ông sinh ra là Đà Lạt, vậy thôi.

Ngắm tranh của người lãng tử trên phố núi mờ sương này, người ta dễ dàng nhận thấy tình yêu và sự tự hào của người vẽ dành cho quê hương mình trong đó.

Tranh của họa sĩ Anh Sơn Ảnh: Nhật Diễm
 
Tranh của họa sĩ Anh Sơn thiên về tả thực và có chiều sâu. Ngoài những bức tranh đầy màu sắc của núi rừng, phố phường Đà Lạt ông còn vẽ tranh đen trắng diễn tả buổi chiều sương giăng khiến cảnh vật nơi đây trở nên đơn sắc, u tịch.
Có người từng nói "đặc sản" lớn nhất của Đà Lạt chính là con người nơi đây, lãng mạn, hiền lành và đầy phóng khoáng. Họa sĩ Anh Sơn là một người Đà Lạt như vậy.
Tranh vẽ một chiếc cầu cổ ở Đà Lạt của họa sĩ Anh Sơn Ảnh: Nhật Diễm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.