Làng Việt ngày Tết: 'Cánh đồng chó ngáp' có 'tỉ phú của tỉ phú'

03/02/2019 04:30 GMT+7

Khác với suy nghĩ của nhiều người về một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nghèo khó…, “Cánh đồng chó ngáp” ngày nay đã trở nên trù phú, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỉ mỗi năm .

“Cánh đồng chó ngáp” - ký ức một thời gian khó

"Cánh đồng chó ngáp” là vùng đất rộng lớn thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân (Bạc Liêu), xã Phong Thạnh Tây A, H.Phước Long (Bạc Liêu), xã Tân Phú, H.Thới Bình (Cà Mau) và xã Vĩnh Phong, H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Ông Phan Văn Nam có thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ nuôi cá sấu, tôm, cua ẢNH: BÁCH HỶ
Nhắc đến “Cánh đồng chó ngáp”, nhiều người mường tượng đến vùng đất xa xôi, hẻo lánh ở một ngôi làng nào đó. Ở đó chỉ có đồng trống hoang vu, mùa mưa cỏ dại mọc lút đầu người; tháng nắng đồng khô, cỏ cháy...
Năm 1991, tôi đưa vợ con về ấp Thị Mỹ lập nghiệp và được cấp gần 20 công đất canh tác. 6 năm liên tiếp tôi đều trúng đậm tôm, cua. Có tiền, tôi mua thêm đất. Đến năm 1997 tôi có 200 công đất và trong năm này tôi trúng trên 500 triệu đồng từ tôm, cua. Sau đó vợ chồng tôi quyết định cất căn nhà trị giá 100 cây vàng.
Ông Nguyễn Hoàng Lựu
Theo lão nông Nguyễn Thanh Hậu (62 tuổi, ngụ ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong), cha ông kể xưa kia nơi này là rừng tràm. Đến thời Pháp thuộc rừng tràm bị khai thác hết và trở thành cánh đồng hoang bạt ngàn, chỉ còn dừa nước, cỏ, năn, sậy... “Khu vực này rộng lớn đến mức không người nào có thể đi từ bờ này qua bờ bên kia một lần nổi, đến mức chó là loài vật rất giỏi chạy nhanh cũng không đi qua nổi cánh đồng. Con nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải... lè lưỡi thở dốc rồi mệt mỏi ngáp ngắn, ngáp dài. Từ đó mọi người mới gọi nơi đây là “Cánh đồng chó ngáp”, ông Hậu lý giải.
Tìm hiểu thêm 3 lão nông khác có tuổi đời từ 60 - 80, chúng tôi được nghe chung một nhận xét: làng quê này trước kia đa số người dân nghèo khổ, sống dựa vào nghề cắm câu, giăng lưới. Đến mùa mưa mọi người quay sang “hành nghề” giữ trâu mướn. Mùa mưa, “cánh đồng chó ngáp” ngập lênh láng, rắn, rùa, chuột… nhiều vô kể.
“Điển tích thì tôi không rõ lắm, nhưng nghe mấy ông già xưa kể từ Hồng Dân, Phước Long chạy dài qua xã Vĩnh Phong, H.Vĩnh Thuận tới H.Thới Bình toàn là cánh đồng năn, đất nhiễm phèn. Chó muốn từ bên nhà hộ này chạy qua bên nhà khác mệt nhọc và thở hổn hển. Có lẽ, tên gọi “Cánh đồng chó ngáp” xuất phát từ đây. Về sau, nhiều người gọi riết thành chết danh”, ông Phan Văn Nam (59 tuổi, ngụ ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong) cho biết thêm.
Nhà cửa mái ngói khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở ấp Thị Mỹ, nơi giáp ranh 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu ẢNH: BÁCH HỶ
Minh chứng thêm về một thời gian khó, lão nông Nguyễn Thanh Hậu còn cho biết: “Lúc tôi mới về đây, mùa mưa vợ tôi để cái thau quý nhất của nhà ra hứng nước, lát sau bị gió thổi bay mất. Cả nhà chia nhau kiếm gần nữa ngày mà không gặp”.
Ông Hậu kể tiếp: “Xưa kia, vùng đất này rất hiếm nước ngọt, người dân sống vô cùng khó khăn. Nhiều hộ chịu không nổi đã bỏ nhà đi xứ khác làm ăn. Có thời điểm, cả vùng này rộng hàng trăm km vuông chỉ có khoảng 10 hộ dân”.
Ông Nguyễn Hoàng Lựu bắt ba ba do nhà ông nuôi, đãi khách phương xa ẢNH: BÁCH HỶ

Trở thành xóm... tỉ phú

Ông Phan Văn Nam cho biết “Cánh đồng chó ngáp” thật sự chuyển mình từ khoảng hơn 20 năm trước, khi mà nhà nước đầu tư nạo vét sông, kênh rạch. Người dân thuận lợi trong tưới tiêu, chủ động dẫn nước ngọt, nước lợ vào đồng ruộng nuôi tôm, xen canh nuôi cua và trồng 1 vụ lúa - tôm.
Ông Nguyễn Hoàng Lựu (62 tuổi, tổ 2, ấp Thị Mỹ) khẳng định: “Từ khi các con kênh Dân Quân, kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Đền, kênh Bạch Ngưu, thuộc khu vực giáp ranh 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau được khơi thông, đời sống người dân phất lên rõ rệt. Đó là những vuông tôm, cánh đồng lúa bạt ngàn cho năng suất rất cao. Vào mùa thu hoạch, tôm được tính bằng tấn”.
Ông Phan Văn Nam (bên trái) dẫn khách tham quan mô hình nuôi cá sấu của mình ẢNH: BÁCH HỶ
Theo ông Nguyễn Hoàng Lựu, bên cạnh chủ trương đầu tư của nhà nước, thì nghị lực và sự cần cù, ham học hỏi, cầu tiến của người dân trên “Cánh đồng chó ngáp” đã làm thay đổi “vận mệnh” của người dân nơi đây.
Dẫn chứng cụ thể trường hợp gia đình mình, ông Lựu kể: “Năm 1991, tôi đưa vợ con về ấp Thị Mỹ lập nghiệp và được cấp gần 20 công đất canh tác. 6 năm liên tiếp tôi đều trúng đậm tôm, cua. Có tiền, tôi mua thêm đất. Đến năm 1997 tôi có 200 công đất và trong năm này tôi trúng trên 500 triệu đồng từ tôm, cua. Sau đó vợ chồng tôi quyết định cất căn nhà trị giá 100 cây vàng”.
Trong số những tỉ phú trên “Cánh đồng chó ngáp”, ông Phan Văn Nam được xem là “tỉ phú của tỉ phú” với những suy nghĩ và bước đi táo bạo.
Những năm 1990, ông Nam đi tiên phong trong việc xây chuồng nuôi cá sấu - cái nghề tương đối khó khăn, đòi hỏi người nuôi có tư duy, ý chí và phải đầu tư nhiều kinh phí. Ấy vậy mà, cứ thế, đều đặn cá sấu mang lại cho ông lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. Cùng với trên 200 công đất tôm, cua, ông Nam có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
“Ý chí và tính toán hợp lý của con người quyết định sự thành công”, ông Nam khẳng định.
Ồng Nguyễn Văn Mộng, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp Thị Mỹ, cho biết xưa kia, hễ sáng sớm chỉ có tiếng gà gáy, chó sủa là báo hiệu ngày mới tại vùng đất Thị Mỹ - nơi có địa giới hành chính giáp với Bạc Liêu và Cà Mau. Ngày nay, ở đây không chỉ có tiếng gà mà còn có tiếng xe gắn máy, tiếng máy vỏ lãi của thương lái, tiếng cười nói rôm rả của nông dân đến vụ thu hoạch tôm.
Chạy dọc hai bờ sông kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Đền và kênh Bạch Ngưu qua địa bàn ấp Thị Mỹ vào những ngày này, hàng trăm căn biệt thự mới toanh mọc lên. Chủ nhân của những căn biệt thự này là các lão nông có nét mặt đầy khắc khổ vì một thời “vật lộn” với đồng đất khắc nghiệt đã vươn trở thành tỉ phú.
Nếu trước đây, khu vực giáp ranh 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, thuộc địa phận ấp Thị Mỹ phần lớn là những hộ nghèo, chỉ có trên dưới 10 nóc nhà, thì nay người dân hội tụ về đây sinh sống với 288 hộ. Hộ khá, giàu chiếm hơn 60%, số hộ nghèo chỉ còn 10 hộ.
“Tôi thống kê sơ bộ, toàn ấp Thị Mỹ có khoảng 30 hộ giàu, thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng/năm. Rất nhiều hộ có mức thu nhập 400 - 600 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Văn Mộng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Thị Mỹ cho biết.
Kênh Phó Sinh - Cạnh Đền giao với kênh Bạch Ngưu, thuộc khu vực giáp ranh 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau được khơi thông, đời sống người dân phất lên rõ rệt ẢNH: BÁCH HỶ
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Mộng, ở ấp Thị Mỹ hiện có hàng loạt tỉ phú là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, kể cả cấp Trung ương với các mô hình nuôi tôm, cua, ba ba, cá sấu, rắn…, điển hình nhất là ông Phan Văn Nam, ông Nguyễn Hoàng Lựu, ông Nguyễn Văn Gìn (58 tuổi), ông Hồ Văn Sang (58 tuổi), Võ Văn Hòa (70 tuổi)...
Vùng đất “tứ xứ”, người dân 3 tỉnh Kiên Giang, Bạch Liêu và Cà Mau giao thoa, về sinh sống và lập nghiệp, tạo nên ấp Thị Mỹ, một trong những ấp giàu nhất của H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Những ngày xuân mới, nông dân nơi làng quê của "Cánh đồng chó ngáp" với "bàn tay ta làm nên tất cả" tự tin hướng về tương lai, bởi họ đã qua bao tháng năm chủ động và nắm lấy cơ hội vượt qua được những tháng ngày gian khó...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.