Lãnh đạo Bình Thuận nêu giải pháp xử lý lãng phí tài nguyên đất đai

Quế Hà
Quế Hà
18/11/2024 06:28 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Nhiều dự án chiếm 'đất vàng' rồi bỏ hoang ở Bình Thuận, ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trả lời PV Thanh Niên về nguyên nhân của tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Theo ông Nguyễn Minh, với lợi thế chiều dài bờ biển tới 192 km, Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho nhiều dự án gắn với quỹ đất ven biển, chủ yếu là các dự án du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm, trong đó có nhiều nhà đầu tư cố tình kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Minh, khó nhất là từ khâu giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; do chậm trong thủ tục xác định tính pháp lý, chính sách đền bù thay đổi. Việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài có khi nhiều năm không giải quyết dứt điểm, rồi tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất các dự án…

Thứ hai là do vướng mắc về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi Bình Thuận là tỉnh có khu vực dự trữ khoáng sản titan rất lớn. Hiện nay, có khá nhiều dự án đầu tư nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Các dự án này phải tạm ngừng triển khai do luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện hoạt động đầu tư tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 51 quy định công tác quản lý vùng dự trữ quốc gia, nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể nên cách triển khai còn lúng túng.

Thứ ba, theo ông Nguyễn Minh, chính là do vướng về quy hoạch và quy định bởi khoản 1, điều 79 luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo (cách biển 100 m không được xây dựng). Cuối cùng chính là vướng trong ban hành giá đất và hiện còn nhiều dự án vẫn không tính được giá đất để nhà đầu tư nộp tiền đất.

Quyết liệt gỡ khó, thu hồi

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt những năm qua. Trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cùng các cơ quan tham mưu rà soát các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai. Theo đó, đã có 70 dự án (chủ yếu là dự án du lịch) được kiểm tra, rà soát tiến độ và phát hiện có 30 dự án vi phạm tiến độ theo luật Đầu tư, đã xử phạt 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã chấm dứt hoạt động với 22 dự án, trong đó có các dự án quy mô khá lớn như Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định ngừng hoạt động 4 dự án vì đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, đang xem xét để thu hồi.

"Mới đây nhất, Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận đối với các dự án phía bờ biển đã được chấp thuận đầu tư nhưng chủ đầu tư nhưng không triển khai, hoặc triển khai chậm mà không có lý do chính đáng thì tỉnh sẽ xem xét chấm dứt hoạt động và sau đó thu hồi", ông Nguyễn Minh cho biết.

Trên tinh thần đó, Sở KH-ĐT đã đề nghị các địa phương rà soát, đề xuất xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, nếu không rõ lý do thì phải thu hồi. UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường xử lý các vụ vi phạm lấn, chiếm, tái lấn chiếm đất đai của các dự án, đất nhà nước đang quản lý. Bên cạnh đó, yêu cầu các ngành, địa phương, với trách nhiệm của mình, phải tập trung tháo gỡ khó khăn do các nhà đầu tư để thực hiện dự án đúng tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn quán triệt đến từng cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm vì sợ sai. "Đây cũng là một trong các giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mau chóng đưa đất vào sử dụng đúng mục đích", ông Minh nêu.

Về nhiệm vụ cụ thể, theo UBND tỉnh Bình Thuận, đối với các dự án chậm triển khai, Sở Xây dựng rà soát tiến độ xây dựng theo giấy phép và gia hạn theo quy định. Sở TN-MT rà soát, tham mưu gia hạn tiến độ sử dụng đất. Sở KH-ĐT xem xét các dự án không tuân thủ cam kết thì tham mưu cho tỉnh xử phạt.

Đối với các dự án chưa tác động vào đất (gồm 2 nhóm: đã được giao đất, cho thuê đất và nhóm chưa được giao đất), trên cơ sở xem xét từng dự án, nếu không đưa đất vào sử dụng thì tham mưu cho cơ quan chức năng xử phạt, tiến đến thủ tục chấm dứt hoạt động và thu hồi đất. Đối với nhóm các dự án chưa được giao đất thì xem xét, rà soát năng lực tài chính, xem xét nguyên nhân vì sao chậm triển khai. Trong trường hợp đủ điều kiện thu hồi thì kiên quyết thu hồi. Những dự án đủ điều kiện cho gia hạn tiến độ thì yêu cầu phải cam kết tiến độ thực hiện và cam kết "đây là lần gia hạn cuối cùng". Nếu vẫn không thực hiện đúng cam kết thì quyết tâm thu hồi dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.