(TNO) Đã có không ít đối thủ từng đánh giá thấp iPhone khi chiếc điện thoại này lần đầu tiên ra mắt vào năm 2007 và BlackBerry không phải ngoại lệ, trang tin công nghệ Cult of Mac (Mỹ) cho biết ngày 25.5.
iPhone lần đầu tiên ra mắt công chúng năm 2007 - Ảnh: Reuters
|
Trong thế giới mà iPhone thống trị, các đối thủ không thể làm gì khác ngoài tung chiêu sản xuất điện thoại cùng cấu hình hay bán giá rẻ để cạnh tranh và người ta có thể dễ dàng quên đi những sự châm chọc khi Steve Jobs lần đầu tiên đại diện Apple giới thiệu iPhone đến với công chúng năm 2007.
Trang bán hàng trực tuyến Amazon (Mỹ) ngày 26.5 đã chính thức rao bán quyển sách viết về những ngày tháng thăng trầm của BlackBerry, trong đó có kể về Apple dưới góc nhìn của BlackBerry, một hãng từng làm vua thị trường smartphone.
BlackBerry đã nghĩ gì, bàn luận với nhau thế nào vào ngày Apple giới thiệu iPhone với thế giới?
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 22.5 đã trích dẫn một đoạn trong quyển sách nói trên kể về một ngày kinh hoàng của nhà sáng lập BlackBerry kiêm phó Chủ tịch Mike Lazaridis.
Lazaridis đang ở nhà tập thể dục khi nhìn thấy các báo cáo trên truyền hình về sản phẩm mới nhất của Apple. Vị này lập tức quên đi bài tập thể dục ngày hôm đó (vào tháng 1.2007). Steve Jobs xuất hiện trên sân khấu San Francisco khoe một vật nhỏ, ông tải nhạc, video và bản đồ từ Internet vào một thiết bị mà ông gọi là iPhone.
"Làm sao họ làm điều đó?", ông Lazaridis khi đó tự hỏi. Sự tò mò của ông chuyển sang hoài nghi khi Stanley Sigman, Giám đốc điều hành của Cingular Wireless (hãng di động Mỹ hiện đang thuộc sở hữu của tập đoàn AT&T), cùng Jobs công bố một hợp đồng bán iPhone kéo dài trong nhiều năm với Apple. “AT&T đang nghĩ cái gì vậy nhỉ? Nó sẽ làm tập đoàn này sụp đổ thôi", ông Lazaridis nghĩ.
Hôm sau, ông kéo vị đồng giám đốc điều hành Jim Balsillie vào văn phòng và đặt ông này ngồi trước máy tính.
"Jim, tôi muốn anh xem cái này", ông nói và chỉ vào đoạn phim quay sự kiện ra mắt iPhone. "Họ trang bị nguyên một trình duyệt web cho thứ đó. Trong khi các nhà mạng lại không cho phép chúng ta làm vậy".
Suy nghĩ đầu tiên của ông Balsillie khi đó là RIM đã mất đi một khách hàng, hãng AT&T. "Apple đã có một thỏa thuận tốt hơn. Chúng ta chẳng bao giờ được phép làm vậy. Thị trường Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Balsillie nói.
"Những tay này thực sự rất cừ. Vụ này khác", ông Lazaridis nói. "Không sao, chúng ta sẽ ổn thôi", ông Balsillie đáp.
Các lãnh đạo của RIM, hãng sản xuất Blackberry, đã không để ý thêm gì nữa đến iPhone trong nhiều tháng sau đó. "Nó không là mối đe dọa cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của RIM. Nó không được bảo mật, mau cạn pin và cái bàn phím cảm ứng đó thật tệ hại", Larry Conlee, cố vấn cấp cao của Lazaridis khẳng định.
Cult of Mac bình luận BlackBerry không phải là công ty duy nhất nhận xét iPhone như một món đồ chơi ấn tượng đắt tiền và tự tin cho rằng iPhone sẽ không thể tác động đến thị trường điện thoại di động vào thời đó.
Steve Ballmer, cựu CEO của tập đoàn Microsoft từng dành cho Apple một nụ cười chủ quan khi nghe tin hãng này sắp bán ra chiếc điện thoại giá 500 USD, nụ cười ấy có lẽ sẽ đi vào lịch sử cùng câu nói tuyên bố Titanic là con tàu không thể chìm.
Tương tự BlackBerry, rất nhiều công ty phải vượt qua những thời điểm kinh doanh đầy khó khăn bởi sự gia nhập của Apple vào thị trường smartphone.
Quyển sách về những bí mật đằng sau những thành công rực rỡ và sự tuột dốc thảm hại của BlackBerry đã chỉ ra vào năm 2009, BlackBerry đã chiếm 50% thị trường điện thoại và ngày nay con số này còn thấp hơn 1%.
Trong khi Apple đang chiếm lĩnh tầm cao mới thì BlackBerry lại bị “chảy máu” lượng khách hàng không nhỏ và số lượng khách hàng đó dường như sẽ không quay lại với BlackBerry trong thời gian tới.
Bình luận (0)