Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 17.4 khẳng định dự án tàu ngầm tự đóng của hòn đảo sẽ tiếp tục theo kế hoạch, sau khi quan chức đứng đầu dự án từ chức do điều ông gọi là sự đả kích bất công nhằm vào mình và lực lượng phòng vệ.
Đài Loan xem chương trình tàu ngầm phòng thủ tự đóng (IDS) có vai trò then chốt trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng phòng vệ. Hồi tháng 9.2023, Đài Loan ra mắt một trong 8 tàu ngầm mới, dù chưa thể đưa vào biên chế cho đến năm tới.
Đài Loan trình làng tàu ngầm tự đóng đầu tiên
Chương trình trên đã thu hút giới chuyên môn và công nghệ từ một số nước, một bước đột phá đối với hòn đảo bị hạn chế về ngoại giao.
Trong thông cáo tối 16.4, cựu đô đốc Hoàng Thự Quang cho hay ông từ chức lãnh đạo IDS do bị công kích một cách thiếu công bằng từ những người ông không nêu tên.
Ông Hoàng cho biết lực lượng chuyên trách tàu ngầm, gồm lực lượng phòng vệ biển Đài Loan và Tập đoàn đóng tàu CSBC của hòn đảo sẽ tiếp tục hoạt động sau khi ông từ chức. "Không thể có chuyện đội ngũ bị sa thải chỉ vì sự ra đi của một người", ông nói thêm.
Ông Khâu Quốc Chính, người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan chia sẻ với các phóng viên ngày 17.4 rằng ông Hoàng là một người tận tâm và nói thêm rằng "các thành viên lực lượng chuyên trách đều đang đảm trách và có thể làm việc lâu dài, sẽ không có sự thay đổi chỉ vì thay đổi một cá nhân".
Ông Hoàng trước đây mô tả các tàu ngầm là "công cụ răn đe chiến lược" cũng có thể giúp duy trì "huyết mạch" của hòn đảo với Thái Bình Dương bằng cách giữ cho các cảng dọc theo bờ biển phía đông Đài Loan luôn mở.
Đài Loan hy vọng sẽ triển khai ít nhất 2 tàu ngầm được phát triển trong nước vào năm 2027 và có thể trang bị cho các mẫu sau này tên lửa chống hạm.
Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ cho biết một máy bay P-8A Poseidon của lực lượng này đã bay qua eo biển Đài Loan trên không phận quốc tế vào ngày 17.4.
"Việc máy bay đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", theo Reuters dẫn thông cáo của Hải quân Mỹ.
Bình luận (0)