Ông Erdogan bước vào hội nghị G20 lần này chỉ một tháng rưỡi sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 15.7). Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xấu đi sau khi ông Erdogan cáo buộc Mỹ dung túng giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau giật dây vụ lật đổ.
tin liên quan
Mỹ cử đại diện đặc biệt sang Thổ Nhĩ Kỳ bàn vụ giáo sĩ GulenBên cạnh chuyến đi của Phó Tổng thống Joe Biden sang Ankara tuần tới, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cử đại diện đặc biệt để thảo luận với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về cáo buộc âm mưu đảo chính liên quan giáo sĩ Gulen, theo Reuters.
Phát biểu trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) hôm 4.9, Tổng thống Mỹ Obama cam kết chính quyền của ông sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ hết mình trong cuộc điều tra vụ đảo chính ở nước này.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những ai thực hiện các hành động ấy (đảo chính) sẽ đối diện với công lý”, AFP dẫn lời Tổng thống Obama.
Ngoài ra, lấn cấn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong cuộc chiến tại Syria cũng trở thành vấn đề lớn trong thời gian qua, dẫu cả hai đều là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong cuộc gặp song phương bên lề G20 hôm 4.9, ông Erdogan cũng nhắn nhủ ông Obama về vấn đề khủng bố, khẳng định “không có kẻ khủng bố nào được coi là tốt cả”, đề cập tới việc thúc đẩy sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
“Không có khủng bố tốt hay khủng bố xấu. Mọi loại khủng bố đều tồi tệ như nhau”, AFP dẫn lời ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều nhắm mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Tuy nhiên trong tháng 8, Mỹ tỏ ra không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng do Ankara hỗ trợ đã tấn công các tay súng người Kurd, vốn là đồng minh của Mỹ chống IS.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd bị xem là kẻ thù, đặc biệt là đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức muốn ly khai và giao tranh với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ba thập kỷ qua. Thổ Nhĩ Kỳ đưa PKK vào danh sách khủng bố ở nước này và cho rằng PKK liên hệ mật thiết với Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG), tổ chức đang cộng tác diệt IS với Mỹ.
tin liên quan
Mỹ lên tiếng vụ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người KurdViệc Thổ Nhĩ Kỳ và quân nổi dậy người Kurd do Mỹ hỗ trợ đụng độ tại Syria là “không thể chấp nhận”, Reuters ngày 29.8 dẫn lời một đặc sứ Mỹ về chống khủng bố ở Syria.
Ngoài ra, ông Erdogan cũng có cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Câu chuyện nổi bật giữa hai bên liên quan tới vấn đề thị thực và người tị nạn. Bà Merkel nói bà hy vọng rằng Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải quyết những khác biệt về vấn đề miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ khi di chuyển tại châu Âu.
“Các cuộc đàm phán với Ủy ban châu Âu (EC) đang rất sâu sát và vẫn tiếp diễn. Chúng tôi tin vào khả năng sẽ có những thông tin lạc quan thỏa mãn yêu cầu của các bên trong vài ngày tới”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel.
|
Đối với Đức và châu Âu nói chung, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn dòng người tị nạn từ Trung Đông tới châu Âu. Vấn đề người tị nạn đã tạo áp lực lớn lên kinh tế, xã hội của các nước châu Âu. Một thỏa thuận về cơ bản giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara sẽ giúp đỡ châu Âu về gánh nặng người tị nạn, đổi lại là việc miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên các cuộc đàm phán chưa có kết quả vì nhiều lý do, trong đó có vụ đảo chính nêu trên cũng như các mối lo về nhân quyền đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, bà Merkel cũng cho biết đang kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ lệnh cấm nghị sĩ Đức thăm 250 binh sĩ Đức đang làm việc ở căn cứ không quân Incirlik.
Bình luận (0)