Từ ngày 24.11 đến nay, CSGT TP.HCM mở đợt tổng kiểm tra nồng độ cồn trên toàn địa bàn. Đặc biệt, với phương thức tuần tra phối hợp giữa các đội, đo nồng độ cồn cả ban ngày, các tổ công tác đã ghi nhận rất nhiều người vi phạm.
Đo nồng độ cồn cả ngày “Ý thức người dân đã được nâng cao”
Sau 10 ngày triển khai, CSGT đã thông tin thay đổi phương án đo nồng độ cồn ban ngày. Đại diện PC08 cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn kéo dài đến tết, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra.
Dưới các bài viết trên Báo Thanh Niên, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến về cách thức CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn, ngoài các ý kiến ủng hộ, một số bạn đọc cũng mong rằng việc kiểm tra đừng gây phiền hà cho dân và để lại các thắc mắc.
PV Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) để giải đáp các thắc mắc này.
PV: Xin chào ông, từ ngày 24.11, Phòng CSGT phối hợp Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện tổng kiểm soát nồng độ cồn, kế hoạch kéo dài đến hết năm. Vì sao PC08 chọn thời điểm này để triển khai?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn TP, chúng tôi đã tham mưu Ban Giám đốc Công an TP.HCM xây dựng phương án kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường. Rút kinh nghiệm từ các triển khai của Bộ và Cục CSGT, chúng tôi nhân rộng trên địa bàn TP, chia thành 10 cụm CSGT phân ra khu vực nội thành, ngoại thành để tập trung xử lý, tuyên truyền đối với từng nhóm người tham gia giao thông.
Ví dụ khu vực nội thành thì tập trung xử lý một số tuyến đường có đặc thù riêng, khu vực ngoại thành tập trung vào nhóm công nhân, người lao động để kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn. Mục tiêu của kế hoạch là kiểm soát tình hình giao thông trên địa bàn TP trật tự, ổn định và vi phạm nồng độ cồn sẽ cơ bản chấm dứt.
Xem nhanh 20h ngày 14.12: Lãnh đạo Phòng CSGT TP.HCM nói về đợt tổng kiểm tra nồng độ
Vậy kết quả từ ngày 24.11 đến nay ra sao, thưa ông? PC08 đánh giá thế nào về hiệu quả của đợt kiểm tra phối hợp này?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Từ ngày 24.11 chúng tôi ra quân đồng loạt 10 cụm. Đến nay, kết quả xử lý vi phạm là trên 7.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng kỳ tăng gần 91%. Việc xử lý đã đi vào thực chất, hiệu quả.
Khi mới triển khai, CSGT TP đã kiểm tra vào các khung giờ ban ngày bằng hình thức lập chốt dừng phương tiện kiểm soát nồng độ cồn, qua đó, chúng tôi nhận thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, góp phần đảm bảo tốt tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, tạo sự lan tỏa với nhân dân trong việc xây dựng văn hóa giao thông. Đồng thời, công tác cũng thể hiện quyết tâm của lực lượng CSGT TP trong xử lý vi phạm nồng độ cồn, thực hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ và kiên quyết hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe trong nhân dân.
Qua đợt kiểm tra phối hợp, CSGT TP đã thu thập được đặc thù của nhóm vi phạm, thời gian, tuyến đường thường xuyên vi phạm. Do đó, phương pháp tuần tra kiểm soát luôn có sự thay đổi linh hoạt. Đối với hình thức tuần tra kiểm soát tại một điểm, CSGT tập trung từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, phương thức tuần tra kiểm soát cơ động tập trung vào các khung giờ còn lại trong ngày.
Qua công tác từ ngày 24.11 đến nay, chúng tôi đánh giá, người dân TP chấp hành nghiêm quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Bằng chứng mỗi ngày chúng tôi kiểm tra trên 3.000 trường hợp nhưng số vi phạm vài trường hợp.
PV: Thời gian đầu triển khai, các cụm CSGT có các chốt đo nồng độ cồn ban ngày, các chốt có từ 10 – 20 CSGT tập trung đo nồng độ cồn định tính, phát hiện trường hợp nghi ngờ mới mời vào đo nồng độ cồn định lượng. Với cách thức đo này, nhiều người dân cho rằng không phù hợp vì tốn thời gian. Thực tế cũng cho thấy, kiểm tra cả ngàn trường hợp mới phát hiện 9 trường hợp vi phạm, tốn sức lực lượng. Vì sao PC08 lại chọn cách đo này?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Mục tiêu của chúng tôi khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn định tính trước khi kiểm tra định lượng là để để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân, ra đường không sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy.
Hai là phòng ngừa xã hội. Qua việc kiểm tra này, người dân tự giác chấp hành, không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên đường, ảnh hưởng đến bản thân mình người đi đường, không xảy ra tai nạn giao thông.
Ba là, công tác kiểm tra góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP trước, trong và sau tết.
Trước đây, CSGT TP đã thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế với trang thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật, máy móc đầy đủ để kiểm tra vi phạm nồng độ cồn của người dân. Việc kiểm tra nồng độ cồn định tính nhằm làm giảm thời gian của người được kiểm tra, giảm ùn tắc giao thông trong các chốt kiểm soát vi phạm nồng độ cồn. Kiểm tra nồng độ cồn định tính cũng giúp CSGT kiểm soát được nhiều người hơn. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có cồn thì chúng tôi mới đo nồng độ cồn định lượng để xác định mức độ vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính đúng lỗi, đúng hành vi.
Theo thống kê của đơn vị, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn trong năm qua ra sao, hậu quả thế nào?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Trong 11 tháng đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra 211 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện có cồn, chiếm 13,7% tổng số vụ tai nạn giao thông trên toàn TP, làm chết 68 người, bị thương 164 người.
Việc dùng chung phễu thổi định tính, dù để cách xa 5 - 10 cm nhưng người dân vẫn lo ngại các loại vi rút có thể bám vào phễu và ảnh hưởng đến người thổi sau và đề xuất thay phễu như thay ống khi đo nồng độ cồn định lượng. Máy đo này có thật sự an toàn, thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Quan điểm của PC08 các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được kiểm định đạt chuẩn nên vấn đề phòng ngừa lây lan bệnh, giữa người thổi và phễu có khoảng cách nhất định. Do vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm rằng đo nồng độ cồn bằng máy định tính (không thay phễu - PV) không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia giao thông. Còn với đo nồng độ cồn định lượng, CSGT sử dụng mỗi người 1 ống thổi riêng, tất cả là ống mới hoàn toàn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bình luận (0)