Lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nói gì trong hội nghị SCO?

04/07/2023 18:20 GMT+7

Lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) phát biểu trong hội nghị trực tuyến do Ấn Độ chủ trì.

Lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nói gì trong hội nghị SCO? - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo trong khối SCO tham dự hội nghị trực tuyến ngày 4.7

REUTERS

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 4.7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước thành viên SCO "duy trì hòa bình khu vực và đảm bảo an ninh chung", đồng thời cho biết Bắc Kinh "phản đối chủ nghĩa bảo hộ", theo hãng thông tấn Tân Hoa xã.

"Đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực là trách nhiệm chung của chúng ta. Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên triển khai các sáng kiến an ninh toàn cầu, kiên định giải quyết bất đồng và mâu thuẫn giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn, thúc đẩy giải pháp chính trị cho các vấn đề nóng quốc tế và khu vực, xây dựng hàng rào vững chắc cho an ninh khu vực", Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.

Nhà lãnh đạo cho biết Trung Quốc sẽ "kiên trì theo đuổi con đường toàn cầu hóa kinh tế đúng đắn", đồng thời "phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp trừng phạt đơn phương cũng như việc khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia".

SCO gồm 8 thành viên, có trụ sở tại Bắc Kinh, nhưng hội nghị trực tuyến năm nay đã chào đón thành viên thứ 9 là Iran. Hội nghị được tổ chức bởi Ấn Độ - quốc gia hiện giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên - với sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Pakistan và một số quốc gia Trung Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội nghị trong bối cảnh xung đột giữa nước này và Ukraine khiến quan hệ quốc tế trở nên phức tạp. Đây cũng là lần đầu tiên ông xuất hiện trên sân khấu quốc tế kể từ vụ nổi loạn kết thúc chóng vánh của nhóm lính đánh thuê Wagner, lực lượng chiến đấu bên cạnh quân đội chính quy của Nga ở Ukraine.

Lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nói gì trong hội nghị SCO? - Ảnh 2.

Tổng thống Putin phát biểu trong hội nghị SCO từ Moscow

REUTERS

"Giới chính trị và toàn xã hội Nga đã thể hiện rõ sự đoàn kết và nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với vận mệnh của tổ quốc, thông qua việc phản ứng như một mặt trận thống nhất chống lại một âm mưu nổi loạn vũ trang", ông Putin nói với các nhà lãnh đạo SCO, theo Reuters.

Nhà lãnh đạo cũng cho biết Nga sẽ chống lại các biện pháp trừng phạt và "những hành động khiêu khích" của phương Tây. Theo ông Putin, Moscow có kế hoạch tăng cường quan hệ với SCO và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ trong ngoại thương. Ông cũng cảnh báo rằng khả năng xảy ra xung đột và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gia tăng.

Nga vì sao không muốn cho Tổng thống Pháp Macron dự hội nghị thượng đỉnh BRICS?

Hội nghị SCO năm nay cũng chứng kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tung ra những lời lẽ chỉ trích được cho là nhắm vào nước láng giềng bất hòa lâu năm, Pakistan.

"Một số quốc gia sử dụng chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới như một công cụ trong chính sách của họ, (họ) cung cấp nơi ẩn náu cho những kẻ khủng bố", ông Modi, người chủ trì hội nghị trực tuyến, phát biểu mà không nêu cụ thể tên nước nào, theo AFP.

Ấn Độ thường xuyên cáo buộc Pakistan giúp đỡ các nhóm nổi dậy và lịch sử của hai nước lân bang cùng sở hữu vũ khí hạt nhân ghi nhận không ít các sự kiện bạo lực và đổ máu.

Pakistan cũng tham gia hội nghị, nơi Thủ tướng Shehbaz Sharif lên án "con quái vật nhiều đầu là chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan", đồng thời cảnh báo "phải tránh bất kỳ sự cám dỗ nào trong việc sử dụng nó như một công cụ để ghi điểm ngoại giao".

Cả Ấn Độ và Pakistan đều cho biết Afghanistan vẫn là mối quan ngại chủ chốt. Thủ tướng Modi cảnh báo về nguy cơ Afghanistan biến thành căn cứ "lan truyền sự bất ổn", trong khi Thủ tướng Sharif kêu gọi "khẩn cấp thiết lập lại" tiếp xúc giữa cộng đồng quốc tế với các nhà lãnh đạo Taliban.

Được thành lập vào năm 2001 để thảo luận về các vấn đề kinh tế và an ninh, các thành viên khác của SCO là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Belarus, quốc gia đang giữ tư cách quan sát viên, dự kiến sẽ trở thành thành viên chính thức của SCO tại hội nghị tiếp theo.

Bao trùm một khu vực rộng lớn trên toàn cầu từ Moscow đến Bắc Kinh, SCO chiếm khoảng một nửa dân số thế giới - nếu tính cả các quốc gia thành viên cũng như các quốc gia quan sát viên và "đối tác đối thoại", theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.