Đúng cách đây hơn một năm, tôi được đọc trên Báo Thanh Niên bài viết về lụa Tân Châu (lãnh Mỹ A) ở An Giang. Bài viết thể hiện lời kể của các bậc cao niên tại làng lụa nói về lãnh Mỹ A với niềm tự hào, rằng lãnh Mỹ A có màu đen tuyền, mặc vào mùa nóng mát lạnh, mùa đông ấm áp, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng lên bóng nhìn quý phái... Rằng thời xưa lãnh Mỹ A chỉ dành cho dân có tiền nên chiếc quần lãnh Mỹ A là niềm mơ ước của bao thiếu nữ, quý bà. Rằng tới năm 1970, theo thời thế, các hãng tơ tằm dệt bằng sợi ni lông thay cho tơ lụa truyền thống. Nương dâu ruộng tằm biến mất, cây mặc nưa dùng để nhuộm lãnh Mỹ A bị đốn hạ, lần hồi xứ lụa trù phú ngày nào chỉ còn lại vài hộ cầm chừng giữ nghề xưa, trong đó có nghệ nhân Tám Lăng, tên thật là Nguyễn Văn Long.
Sản phẩm lụa thô
|
Đọc bài báo, dẫu biết làng nghề trù phú một thời giờ chỉ còn vài hộ cầm chừng nhưng tôi cảm nhận được nét đẹp truyền thống nơi đây, một lãnh Mỹ A bí ẩn, sang trọng, quý phái và nghĩ rằng, nếu có cơ hội tôi sẽ đến đây, tiếp cận làng nghề với niềm háo hức.
Song, khi được dịp đến Tân Châu, đến với lụa lãnh Mỹ A, tận tay cầm từng mảnh lụa, cảm nhận vẻ đẹp vẫn còn đấy nhưng câu chuyện về bảo tồn làng lụa khiến tôi day dứt mãi.
Nhắc đến làng lụa lãnh Mỹ A, người dân nơi đây giờ chỉ còn nhắc đến nghệ nhân Tám Lăng, người duy nhất trong làng sống với nghề lãnh Mỹ A (không còn là vài hộ cầm chừng giữ nghề xưa như hơn 1 năm về trước).
Đến xưởng dệt nhuộm Tám Lăng lãnh Mỹ A, tôi bất ngờ vì cơ sở quá nhỏ, khoảng 200 m2, khá cũ. Tôi nghĩ “chắc đây là nơi khách đến để thăm quan, còn xưởng sản xuất có lẽ nằm ở một vị trí khác”.
Sau khi tham quan xưởng, tôi hỏi vài người trong coi xưởng mong muốn được gặp ông Tám Lăng nhưng tiếc rằng, hiện giờ ông đã già yếu nên truyền nghề và giao lại toàn bộ cho con gái quán xuyến.
Xưởng dệt Tám Lăng lãnh Mỹ A |
Gặp con gái ông Tám Lăng, chị cho biết đến nay đã mất hẳn làng lụa lãnh Mỹ A - Tân Châu, bởi không nhà nào còn giữ được nghề ngoài cha của chị.
Theo chị kể, lãnh Mỹ A của gia đình vẫn làm theo hình thức thủ công truyền thống, rất cực và tốn thời gian. Đầu tiên, phải trải qua gần 10 công đoạn để có sản phẩm lụa thô. Để tấm vải lụa thô màu trắng trở thành lãnh Mỹ A với màu đen tuyền, bóng thì mọi người phải lấy mũ của trái mặc nưa hòa với nước, dùng lụa đã dệt nhúng 100 lần trong thời gian 40 ngày. “Làm thì cực nhưng sản phẩm bán đi cũng chỉ 350 ngàn đồng mỗi mét”, con gái ông Tám Lăng nói.
Cũng theo con gái ông Tám Lăng, mỗi năm nếu làm hết công suất thì xưởng nhuộm sẽ làm được 5.000 m lụa nhưng do gia đình ký hợp đồng độc quyền lãnh Mỹ A với một công ty Pháp xuất khẩu 3.000 m nên chỉ làm đúng số lượng. “Nếu có làm nhiều hơn thì chúng tôi cũng không biết bán cho ai vì lâu lâu mới có vài khách lẻ mua. Trường hợp nếu công ty Pháp này không còn ký hợp đồng độc quyền với chúng tôi thì việc bán được lãnh Mỹ A ra thị trường là điều gia đình phải suy nghĩ”, con gái ông Tám Lăng nói.
Nghe chị tâm sự, ai cũng chạnh lòng, làng lụa lãnh Mỹ A từng có một thời hoàng kim, được các cô gái ao ước, được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề tiểu thủ công nhưng dường như việc bảo tồn, quảng bá đang bị nhà nước dửng dưng, nếu không muốn nói là “bỏ rơi”. Rồi, cái tên lãnh Mỹ A đối với giới trẻ chúng tôi như một cái tên xa lạ và không một ai khoác lên người lụa lãnh Mỹ A huyền bí ấy, không phải vì lãnh Mỹ A quá mắc mà chỉ vì người biết về lãnh Mỹ A chỉ là thiểu số.
Chẳng lẽ, chúng ta phải đứng nhìn lãnh Mỹ A ngày một lụi tàn và chỉ còn đi vào câu chuyện của người xưa kể lại.
Bình luận (0)