Lao đao do giá mủ cao su tuột dốc

25/10/2018 00:00 GMT+7

Các chủ vườn cây, hàng chục ngàn công nhân đang lao đao khi giá mủ cao su tuột dốc không phanh.

Giá mủ cao su giai đoạn 2006 - 2012 liên tiếp tăng do phía Trung Quốc “ăn” hàng. Từ mức hơn 40 triệu đồng/tấn, giá mủ lên đến đỉnh điểm với hơn 100 triệu đồng/tấn năm 2011 rồi sớm tuột dốc không phanh với mức 27 - 30 triệu đồng/tấn. Cũng giai đoạn này, diện tích cao su của VN tăng mạnh, từ hơn 454.000 ha năm 2004 lên gần 998.000 ha vào năm 2014. Mủ cao su tuột giá đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó khăn.
Theo Hiệp hội Cao su VN, xuất khẩu cao su từ tháng 1 - 9.2018 của VN ước đạt 1,06 triệu tấn, đạt giá trị 1,45 tỉ USD; tăng 19,9% khối lượng song giảm 10% về giá trị so cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của VN, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 5,7% và 3,9%.
Tại Tây nguyên, nơi có trên 251.000 ha cao su, trong đó có hơn 140.000 ha đang kinh doanh, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ riêng tại Gia Lai, nếu như năm 2005, diện tích cao su của tỉnh này hơn 58.000 ha thì đến năm 2012 đã lên đến gần 103.000 ha. Từ đó đến nay diện tích của loại cây trồng này chững lại do giá cao su tuột dốc không phanh.
Trong hai năm 2014 - 2015, Tổng công ty 15 thua lỗ 657 tỉ đồng, chủ yếu do giá mủ cao su giảm mạnh. Hiện đơn vị này vẫn còn tồn 40.000 tấn mủ chưa bán do giá quá thấp. Nhiều doanh nghiệp khác cũng chịu cảnh tương tự.
Nguồn cung đang vượt cầu khiến giá cao su giảm mạnh. Đặc biệt, cao su là loại cây có thời gian kiến thiết khá dài, lên đến 7 năm. Để đầu tư 1 ha cao su từ giai đoạn thuê đất, kiến thiết đến khi kinh doanh phải tốn chừng 300 triệu đồng. Nhiều người dân vì không thể chờ giá cao su lên đành phá bỏ vườn cao su để thay bằng các loại cây trồng khác. Một số doanh nghiệp có dự án cũng đành phải dừng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.