Lao đao sống chung với... muỗi

15/05/2015 14:59 GMT+7

(TNO) Ngửi mùi hôi thối, sống chung với muỗi, đối mặt với nguy cơ dịch bệnh hoành hành... Đó là tình cảnh khổ sở mà những hộ dân sống ở khu vực kênh Gia Định (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) đang phải đối mặt hằng ngày.

(TNO) Ngửi mùi hôi thối, sống chung với muỗi, đối mặt với nguy cơ dịch bệnh hoành hành... Đó là tình cảnh khổ sở mà những hộ dân sống ở khu vực kênh Gia Định (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) đang phải đối mặt hằng ngày.

Để có thể vui đùa bên dòng kênh, trẻ em nơi đây được bố mẹ trang bị cả những khẩu trang để "phòng vệ"

Lùa con nhỏ vào mùng để cho ăn cơm!

Chiều tối 14.5, phóng viên Thanh Niên Online có mặt tại khu vực kênh Gia Định, chứng kiến hình ảnh nhiều trẻ em thi nhau… "tháo chạy"; người già, phụ nữ thì trùm kín mít cả người... khi chiếc xe phun thuốc của Trung tâm y tế dự phòng quận 12 đi ngang qua.

Theo nhiều người, vào thời điểm chập tối mà muốn ngồi đằng trước nhà để hóng tí gió mát thì đó là điều không tưởng. Thậm chí, nhà nào có con nhỏ thì còn phải giăng mùng để lùa con vào trong cho ăn chứ không dám để ở ngoài vì sợ bị muỗi đốt.

Cô Hồ Bích Ngọc (58 tuổi) rùng mình nhớ lại: “Tôi mới chuyển qua đây sống gần kênh này được hai năm, mấy tháng trước tôi mắc sốt xuất huyết do bị muỗi đốt quá nhiều. Giờ nghĩ lại còn thấy ớn lạnh…!”.

“Không khí thì hôi hám, muỗi thì có ở khắp mọi nơi, không biết chịu đựng được đến khi nào nữa… Nhà tôi có hai đứa con, ngày nào đi học về nó cũng nói ước gì… được ở trên lớp học tiếp, học hoài luôn chứ về nhà thì chán quá, bởi lẽ học bài cũng không yên thân do muỗi cứ vo ve khắp người", chú Trần Văn Tâm (50 tuổi) kể về hai đứa con.

Còn bản thân mình, chú nói chú cảm thấy dường như đã quá đỗi quen thuộc với cảnh này.

Nước tù đọng trên dòng kênh không lối thoát, tiềm ẩn nhiều mối nguy với môi trường 
 
Xe của Trung tâm y tế dự phòng quận 12 phun thuốc diệt muỗi

"Chỉ cần quơ tay một phát đã có thể bắt được 4 - 5 con muỗi, ngồi chưa đầy một phút thôi cái chân đã “hóa” thành màu đen… " - những người dân ở kênh Gia Định khi tiếp xúc đã như thi nhau để kể cho chúng tôi nghe về nỗi khổ của mình khi ngày ngày phải chịu cảnh sống chung với... muỗi.

Vào mùa nắng, muỗi là nỗi lo thường trực. Còn vào mùa mưa thì cái khổ nâng lên gấp trăm lần khi mà sau mỗi cơn mưa, ngoài vấn nạn muỗi đốt chích gây bệnh tật còn là tình trạng nước kênh hôi thối dâng lên, tràn vào nhà, gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho sinh hoạt và cuộc sống của họ.

Khát khao được cải tạomôi trường sống

Chú Lê Ngọc Nhuận (64 tuổi), Tổ trưởng Tổ dân phố 19, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, nói: “Kênh hôi thối, giải quyết tức thời thì nạo vét thường xuyên cho sạch sẽ, cấm và xử phạt nếu ai vứt rác bừa bãi xuống kênh. Còn nếu muốn lâu dài thì tôi nghĩ nơi này nên được đặt cống hộp. Tha thiết mong chính quyền giải quyết nhanh chóng cho dân bớt khổ…!”.


 
 Phần lớn người dân sống dọc bờ kênh là dân tứ xứ về ở trọ mưu sinh, họ chấp nhận sống tại khu vực này vì phòng trọ có giá rẻ

Trao đổi với Thanh Niên Online, Ông Mai Văn Thọ, Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12 cho biết: “Kênh Gia Định dài 700 mét. Khoảng 100 mét đã được đặt cống hộp, còn lại khoảng 600 mét bị ô nhiễm nặng bởi rác thải ùn ứ. Thế nên, ruồi, muỗi, chuột bọ tồn tại cũng là đều tất yếu!”.

“Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành gặp gỡ để lắng nghe nguyện vọng của bà con, cũng như kiến nghị lên UBND quận 12. Nhưng, cho đến nay, việc đặt cống hộp cho 600 mét còn lại vẫn chưa được tiến hành, thực hiện” - ông Thọ nói thêm.  

Dưới đây là một số hình ảnh Thanh Niên Online ghi lại được:  


Đoạn cống cần thi công chỉ có 600 mét, thế nhưng, người dân khu vực này phải chịu cảnh cơ cực nhiều năm qua 
Phun thuốc thẳng vào nhà để diệt muỗi
 
Trẻ em là những đối tượng chịu cực khổ nhất và có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao nhất khi ở trong môi trường sống ô nhiễm như thế này
Nước thải sinh hoạt được một số người dân xả trực tiếp ra dòng kênh
Dòng nước tù đọng chứa ấu trùng muỗi đã tồn tại từ năm này qua năm khác
Người dân khu vực này đang tha thiết mong môi trường sống được cải thiện
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.