Lao đao vì lúa nhiễm mặn

18/03/2015 10:26 GMT+7

Hàng trăm hộ nông dân ở ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh và ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn (thuộc H.Hòn Đất, Kiên Giang) đang lao đao vì phần lớn diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nặng nề do nhiễm mặn.

Hàng trăm hộ nông dân ở ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh và ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn (thuộc H.Hòn Đất, Kiên Giang) đang lao đao vì phần lớn diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nặng nề do nhiễm mặn.

Lao đao vì lúa nhiễm mặn
 Ông Ngô Tương Lai (ấp Lình Huỳnh) bên ruộng lúa bị lép hạt - Ảnh: Minh Khoa
Nước mặn xâm nhập
Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của 2 ấp trên khoảng 414 ha; trong đó ấp Lình Huỳnh là 191 ha và ấp Hòn Quéo 223 ha. Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hòn Đất, cho biết vào khoảng thời gian cận Tết Ất Mùi (từ ngày 10 - 15.2), nông dân 2 ấp đã tranh thủ bơm nước vào ruộng lúa đang giai đoạn trổ đòng. Tuy nhiên sau đó, người dân ra thăm đồng thì phát hiện lúa bị héo, vàng lá và dần chết khô. Trong khi đó, khu vực đất sản xuất nông nghiệp này nhiều năm qua đã được bà con nông dân cải tạo làm lúa 2 vụ cho năng suất cao, không hề có hiện tượng bị nhiễm mặn.
Tìm hiểu nguyên nhân nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng, chúng tôi được biết cũng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2015, dự án nạo vét cửa biển Lình Huỳnh đang thi công đã thổi bùn đất về lấp đoạn kênh cống Lình Huỳnh - kênh 11. Bùn đất, nước mặn theo đó chảy xuống kênh 200 và kênh 11 gây nhiễm mặn tràn lan các kênh mương trong khu vực. Do nông dân không biết nguồn nước dưới kênh bị nhiễm mặn nên đồng loạt bơm vào đồng ruộng dẫn đến nhiều trà lúa bị thiệt hại nặng nề. Cho đến nay, nguồn nước dưới kênh 200, kênh 11 và nhiều kênh mương nội đồng khác trên địa bàn 2 ấp độ mặn vẫn còn khá cao.
Nông dân lỗ nặng
Đưa chúng tôi đi thăm đồng, ông Ngô Tương Lai (ngụ ấp Lình Huỳnh), cho biết trước tết, ông tranh thủ bơm nước vào ruộng lúa đang trổ đòng để yên tâm ăn tết, nhưng ngày mùng 1 ra thăm thì thấy lúa bị “xèo lá” và có dấu hiệu chết dần. Nhìn sang ruộng lúa của các hộ lân cận cũng thấy hiện tượng tương tự nên ông đã lập tức báo chính quyền địa phương. “Lúa đông xuân là vụ chính trong năm nên tôi đã đầu tư hơn 25 triệu đồng cho 1 ha đất sản xuất. Đến khi sắp thu hoạch thì thiệt hại hơn 90%, coi như mất trắng. Nếu không bị nước mặn xâm nhiễm thì vụ này gia đình tôi thu hoạch khoảng 7 - 8 tấn lúa, trừ chi phí cũng còn lời vài chục triệu đồng”, ông Lai nói.
Ông Danh Dẫn (ngụ cùng ấp) cũng cho biết vụ đông xuân này gia đình ông canh tác 7 ha lúa, trong đó có 5 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên do nhiễm mặn. Vụ này thu hoạch xong không đủ tiền trả nợ vay đầu tư sản xuất, vụ hè thu sắp tới ông cũng buộc phải vay để gieo sạ tiếp. “Hàng chục năm qua chưa bao giờ nông dân ở đây lại rơi vào tình cảnh như vậy. Lúa sắp đến miệng nhưng không ăn được, nợ tiếp tục chồng nợ”, ông Dẫn than.
Nước mặn đã làm hàng loạt trà lúa đang trổ đòng bị chết dần, nhiều ruộng lúa gượng ra bông nhưng trổ không đều, hạt lép, năng suất thấp. Những nông dân bị thiệt hại từ 70% trở lên cho biết rất khó thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch diện tích lúa bị nhiễm mặn; còn thuê người gặt thì tiền công cao. Do lúa kém chất lượng nên thương lái chê, lượng lúa bán ra không đủ bù chi phí. Ông Giang Thành, Chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh, nói: “Trong khi lúa tươi trên thị trường đang có giá khoảng 4.250 đồng/kg thì lúa tại vùng bị nhiễm mặn chỉ ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kg. Bà con dẫn thương lái ra đồng xem lúa thường gặp cảnh họ từ chối mua với lý do là xay xát chế biến không đặng gạo, chất lượng kém không xuất khẩu được”.
Ông Nha cho biết để giải quyết vấn đề trên, UBND H.Hòn Đất đang kết hợp với các ngành chức năng tập trung khắc phục tình trạng nước mặn xâm nhập đồng ruộng. Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tập trung thống kê chính xác diện tích lúa, số hộ và mức độ thiệt hại để kiến nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Kiên Giang sẽ làm việc với đơn vị thi công nạo vét cửa biển Lình Huỳnh có biện pháp ngăn chặn nguồn nước mặn, bùn mặn chảy xuống kênh mương nội đồng, không để tiếp tục gây hại những trà lúa khác; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra rà soát lại hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn, mở một số cửa cống thoát nước nhiễm mặn ra biển khi thủy triều xuống, hướng dẫn nông dân rửa mặn, cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ hè thu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.