Lao động nước ngoài đổ sang Việt Nam

02/05/2016 08:34 GMT+7

Với kỹ năng làm việc tốt, tiếng Anh lưu loát... lao động người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều và cuộc cạnh tranh việc làm trên sân nhà ngày càng nóng bỏng.

Từ cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành. AEC cho phép và tạo sự thuận lợi cho việc tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực đối với 8 nhóm ngành nghề: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Một chuyên gia trong ngành nhân lực cho biết số lượng lao động nước ngoài đến VN ngày càng nhiều. Người nước ngoài tham gia vào các vị trí cấp cao hay cấp trung và cả những công việc lao động phổ thông như giúp việc nhà, chăm em bé...
“Họ có khả năng ngoại ngữ, kỷ luật làm việc và sự chuyên nghiệp mà nhiều lao động VN thiếu hụt. Người lao động VN đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà”, chuyên gia này nhận định. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP.HCM, cho rằng nguy cơ mất việc trên sân nhà hoàn toàn có khả năng xảy ra. “Tự do hóa lao động nhưng chúng ta làm thuê nhiều hơn thì cũng đáng lo”, ông nói.
“Họ rất chuyên nghiệp”
Bà Lê Xuân Anh (ngụ TP.HCM) rất thích ăn món mì Ý ở một nhà hàng Ý tại Q.7. Ngày đầu bà đã rất lúng túng khi nói tiếng Việt mà người phục vụ lại trả lời bằng tiếng Anh, bởi từ người phục vụ đến quản lý của nhà hàng đều là người Ý hoặc người Philippines. Vì thế, mỗi khi muốn ăn, bà lại phải dẫn theo cô con gái 10 tuổi biết nói tiếng Anh. Còn chị Hoa ở Q.1 có một con trai 3 tuổi đã thuê một người giữ trẻ người Philippines. “Lương cao hơn nhưng họ rất chuyên nghiệp, lại nói được tiếng Anh với trẻ”, chị nói. Hệ thống phòng khám Victoria cũng đã có những y tá “mát tay” đến từ Philippines góp mặt.
Điều đáng lo ngại là chất lượng nguồn nhân lực của VN còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Nhiều chuyên gia đánh giá VN thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của VN chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Do đó, áp lực cạnh tranh giữa nguồn lao động hiện tại của VN và các quốc gia ASEAN khác là rất lớn.
Một chủ doanh nghiệp cho biết đã vài lần tuyển dụng CEO người nước ngoài. Đa số CEO nước ngoài không chỉ đòi hỏi lương và chế độ đãi ngộ cao hơn, mà còn đàm phán, thương lượng về quyền lợi của họ rất kỹ càng, chi tiết, đặc biệt họ thường gắn kết quả điều hành với cổ phần công ty. “Thuận mua vừa bán. Công ty không dễ bán cổ phần cho lao động, nhưng nếu họ đưa cam kết điều hành lên mức cao vượt kỳ vọng, thì việc họ sở hữu cổ phần cũng thỏa đáng”, ông phân tích.
Theo ông, một CEO trong nước mức lương bình quân khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng và không có quyền lợi cổ phần, còn CEO nước ngoài lương gấp 3 lần, ở mức 120 triệu đồng/tháng với quyền lợi vượt trội. “Trong những lần tôi tuyển dụng, chính những người nước ngoài đã chủ động đến gặp tôi để thương lượng, còn những CEO VN chủ yếu là chờ mời về”, ông nói.
Nguy cơ chảy máu chất xám
Không chỉ lương người nước ngoài làm việc tại VN cao hơn người bản địa, mà mức lương trung bình của nhân sự VN còn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Mạng tìm kiếm việc làm JobStreet.com vừa công bố báo cáo lương năm 2016 cho thấy, ngoại trừ Indonesia đang có mức lương khá tương đồng với VN, còn lại người lao động tại Singapore, Malaysia và Philippines đều được trả lương cao vượt trội. Chẳng hạn, mức lương tại Philippines hiện cao hơn khoảng 1,5 lần so với VN, tại Malaysia cao gần gấp 3 lần, tại Singapore cao gấp 6 lần... Sinh viên mới ra trường tại VN có thu nhập khoảng 250 - 387 USD/tháng, trong khi tại Singapore là 1.337 - 1.879 USD/tháng. Ở cấp quản lý, so với VN mức chênh lệch lương tại Singapore cũng cao gấp 4 lần, Malaysia cao gấp đôi...
Một chuyên gia trong ngành nhân lực cho biết số lượng lao động nước ngoài đến VN ngày càng nhiều - Ảnh minh họa: D.Đ.Minh
Ông Phạm Bình An cho rằng khi hội nhập ASEAN, lương là một trong những yếu tố quyết định chọn công việc, nhưng nếu chênh lệch lương quá cao sẽ thu hút nguồn nhân lực giỏi của VN di chuyển sang làm việc ở những quốc gia phát triển hơn. Ở chiều ngược lại, với kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản, tiếng Anh lưu loát, năng suất lao động cao... lao động trẻ của các nước trong khu vực đến VN làm việc và sẽ thắng thế ngay trên sân khách.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Alphabook, kể ông đã gặp rất nhiều bạn trẻ đi tìm việc ở nước ngoài. “Đi làm ở nước ngoài không còn quá khó khăn nữa. Xu hướng các bạn trẻ đi học, đi làm và ở lại nước ngoài, đặc biệt ở những nước lân cận khá phổ biến”, ông nhận xét.
Sắp tới, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thu hút thêm nhiều tập đoàn nước ngoài, với nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự cao cấp, trung cấp và lao động phổ thông. Đây cũng sẽ là một cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.