Lao động tại Algeria về nước: 'Bụng đói cồn cào, chỉ có nước cầm hơi'

17/11/2015 19:07 GMT+7

Không một xu dính túi, 18 giờ nhịn đói, lang thang vạ vật ở sân bay, đó là tình cảnh bi đát của các lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng Trung Quốc đối xử thô bạo, trong ngày trở về.

Không một xu dính túi, 18 giờ nhịn đói, lang thang vạ vật ở sân bay, đó là tình cảnh bi đát của các lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng Trung Quốc đối xử thô bạo, trong ngày trở về.

xuat-khau-lao-dongNhóm lao động Việt Nam đầu tiên trở về từ Algeria - Ảnh: T.Hằng
Sau lần đón hụt ở sân bay chiều ngày 16.11, cuối cùng chuyến bay đưa các lao động (LĐ) Việt Nam trở về đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 14 giờ hôm nay 17.11. Sau gần 1 tiếng chờ đợi làm thủ tục, những LĐ đầu tiên xuất hiện ở sảnh chờ trong sự nghẹn ngào, vỡ òa hạnh phúc khi đoàn tụ với người thân.
Anh Lại Văn Ba, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) rơm rớm nước mắt kể: “Chiều 15.11, từ Algeria, tôi lên máy bay để về nước. Ngoài chiếc ba lô với mấy bộ quần áo cũ, anh em trong đoàn đều không một xu dính túi. Theo lịch, chiều qua 16.11, chúng tôi về đến Việt Nam. Tuy nhiên, vé máy bay chỉ đến chặng Dubai, chúng tôi phải chờ đợi 7 tiếng ở sân bay để người của công ty tại đây mua vé, nhưng họ không cung cấp đồ ăn. Để về đến Việt Nam, chúng tôi đã trải qua thêm 18 tiếng vật vờ tại sân bay Bangkok (Thái Lan), bụng đói cồn cào, chỉ có nước cầm hơi”.
Là người có mức lương cao nhất (30 USD/giờ) trong số các LĐ Việt Nam tại Algeria, nhưng tài sản duy nhất trên người anh Nguyễn Hữu Hữu Cẩn, quê huyện Thạch Thất (Hà Nội) là chiếc áo bảo hộ lao động bạc màu, rách một bên vạt áo và đôi giày cũ. Anh Cẩn chia sẻ: “Tôi đã từng đi xuất khẩu lao động ở Dubai, Libya, nhưng đây là chuyến đi sợ nhất. Là thợ mộc duy nhất trong nhóm, tôi được trả lương 30 USD/giờ, nhưng tiền công tôi nhận được đến nay chỉ vẻn vẹn 6 triệu đồng. Thậm chí đến chiếc áo bảo hộ lao động còn chẳng có, rách nát như thế này đây. 2 tháng qua, chúng tôi sống vật vờ, ăn qua ngày, chỉ mong được về nhà đoàn tụ với gia đình”.
Xuat-khau-lao-dongAnh Nguyễn Hữu Cẩn (bên trái) và Nguyễn Hữu Tới kể về những ngày khốn khó ở Algeria - Ảnh: T.Hằng
Canh cánh nỗi lo nợ nần
Theo anh Nguyễn Hữu Tới, để được sang Algeria, các LĐ đã phải trả cho công ty 47,7 triệu đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ chưa biết sẽ phải trả món nợ nần như thế nào. “Hợp đồng ký kết giữa 2 bên là 650 USD/tháng. Gia đình tôi mới nhận được gần 6 triệu, còn âm hơn 40 triệu đồng, chưa biết lấy gì để trả nợ”.
Theo đại diện Công ty Simco Sông Đà, đơn vị phái cử LĐ sang Algeria, 2 nhóm LĐ tiếp theo, mỗi nhóm 18 người sẽ về nước vào các ngày 18 và 20.11. Ngoài ra, 7 lao động có nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục làm việc thì được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.
Để đưa các LĐ về nước theo nguyện vọng, Công ty Simco Sông Đà đã phải chuyển tiền bồi thường chấm dứt lao động trước hạn hơn 80.000 USD (1.700 USD/người) cho Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) - chủ thầu tại Algeria. Ngoài ra, Công ty Simco Sông Đà chi phí mua vé máy bay khoảng từ 600 đến 650 USD/người cho những LĐ có nguyện vọng về nước.
Ông Nguyễn Khắc Đức cho biết: “Trước khi về, công ty có đưa giấy tờ cho các LĐ yêu cầu ký mới cho về. Tuy nhiên, chúng tôi không làm sai điều gì nên không ký. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, chưa biết công ty sẽ xử lý và bồi thường thế nào”.
Trước đó, ngày 16.9, 55 LĐ Việt Nam do Simco Sông Đà đưa sang tỉnh Khenchela (Algeria) làm việc tại công trường xây dựng do Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) làm chủ thầu đã bị hơn 200 công nhân Trung Quốc tấn công. Vụ ẩu đả khiến 2 LĐ Việt Nam và 1 phiên dịch bị trọng thương. Ngày 6.10, các LĐ đã gửi đơn kêu cứu và yêu cầu Công ty Simco Sông Đà phải đưa về nước. Tuy nhiên, nguyện vọng của các LĐ không được giải quyết do phía chủ sử dụng không đồng ý bồi thường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng các đơn vị liên quan làm việc với cơ quan chức năng Algeria để giải quyết, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.