Lao động Trung Quốc hết thời được tăng lương 'khủng'

20/06/2017 19:42 GMT+7

Dù lợi nhuận công nghiệp đang tăng cao, lao động ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang chứng kiến mức tăng lương chậm trong năm ngoái. Nhiều người được tăng lương ít nhất kể từ năm 1997.

Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu mới cho thấy những năm tăng trưởng lương bổng trên 10% và sức mạnh chi tiêu bùng nổ đang đến hồi kết. Trung Quốc ngày nay đối mặt tình trạng công suất dư thừa, nợ nần chồng chất và khả năng cạnh tranh giảm.
Dù mức tăng trưởng lương chậm lại là tin không vui với người lao động, nó không phải là điều xấu với toàn bộ nền kinh tế. Bảng lương thấp giúp Trung Quốc cạnh tranh được với những nước như Việt Nam. Bảng cân đối lương bổng sẽ là yếu tố quyết định xem lực lượng lao động sẽ hưởng mức sống tăng lên, hay phải chịu sự trì trệ trong thu nhập như nhiều quốc gia phát triển.
Cố vấn cao cấp Tao Dong tại ngân hàng tư nhân châu Á thuộc Credit Suisse Group ở Hồng Kông cho biết: “Mức tăng lương hai chữ số sẽ không còn xuất hiện trong tương lai gần. Hơn một thập niên lương liên tiếp tăng và nội tệ mạnh đã và đang xói mòn khả năng cạnh tranh của Đại lục”.
Mức tăng trưởng tiền lương hai chữ số từ cuối thập niên 1990 đang đến hồi kết Ảnh: Bloomberg
Chính phủ Trung Quốc phân chia hơn 400 triệu nhân viên sống ở thành phố vào ba nhóm: tư nhân, phi tư nhân và tự làm chủ. Nhóm nhân viên phi tư nhân gồm 180 triệu lao động công tác tại các doanh nghiệp nhà nước, công ty đại chúng và công ty nước ngoài. Mức tăng lương của họ trong năm ngoái là 8,9%, lên mốc 67.569 nhân dân tệ, tương đương 10.166 USD, thấp nhất kể từ năm 1997, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Khu vực tư nhân gồm 121 triệu người công tác tại các doanh nghiệp nội địa nhỏ hơn thì có mức tăng lương 8,2% năm ngoái, thấp hơn mức 8,8% năm 2015. 280 triệu lao động di cư nông thôn cũng chỉ có mức tăng thu nhập 6,4%, giảm từ mức hơn 20% hồi năm 2011. Dù vậy, mức tăng lương vẫn cao hơn số liệu lạm phát hiện thời.
Lương bổng lao động Trung Quốc tăng nhanh hơn trung bình thế giới và nhiều nước phát triển, chẳng hạn như Đức, Mỹ, Anh và nhóm các nền kinh tế lớn G20 Ảnh: Bloomberg
Tăng trưởng tiền lương xảy ra ngay cả khi các hãng công nghiệp có mức tăng lợi nhuận lớn nhất trong ba năm còn tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa đang đi lên. Các hãng sản xuất nguyên liệu thô như nhà máy thép, mỏ than là các bên hưởng lợi nhiều nhất. Dù vậy, nợ nần và dư công suất là hai yếu tố khiến các công ty chần chừ trong việc tăng lương nhân viên.
Các nhà hoạch định chính sách cũng quay lưng với việc tăng lương để duy trì sức cạnh tranh với các nước láng giềng Đông Nam Á. Chỉ có 9 trong số 31 tỉnh và khu vực Trung Quốc tăng lương tối thiểu hồi năm ngoái, mức thấp nhất trong bốn năm qua. Chính quyền địa phương cũng hướng dẫn giới doanh nghiệp làm chậm tốc độ tăng lương.
Theo Giáo sư kinh tế Bai Peiwen tại Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), nhu cầu lao động giảm dần trong những năm gần đây vì nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Đại lục vẫn còn nhiều cơ hội bắt kịp các nước đang phát triển vì chi phí lao động nước này đang chiếm 40% thu nhập quốc gia, thấp hơn so với mức 60% của nhiều nước phát triển. Ông nhận định: “Mức tăng trưởng thu nhập có vẻ như đang trì trệ nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ có vốn dồi dào và sự thiếu hụt lao động. Tiền lương người lao động lúc đó sẽ cao hơn”.

tin liên quan

Trung Quốc hết thời nhà chọc trời
Thời đại của các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc đã qua. Khi thói quen làm việc thay đổi, các tòa nhà cao tầng cũng dần trống rỗng, cây bút Adam Minter của chuyên mục Bloomberg View nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.