Đó là lão nông Nguyễn Đình Bình (53 tuổi, ngụ xã Trường Xuân, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Ngoài việc chăm sóc 2ha cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… ông Bình còn đam mê với việc bắt ong, rồi thuần và nuôi để lấy mật.
"Tui bắt đầu mày mò và đi bắt ong khoảng 2 năm nay. Hành trình cũng gian nan lắm nhưng tui đam mê cái này, nên càng làm càng… vui", ông Bình chia sẻ. Theo lão nông này, cuộc sống của người dân xung quanh hầu hết đều nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi, rẫy cà phê. Vì vậy, ong rừng vào nhà, vào giếng nước làm tổ là chuyện diễn ra thường xuyên.
"Rất nhiều trường hợp ong vào làm tổ rồi… chích cả những thành viên trong gia đình. Sẵn có niềm đam mê, tui tiên phong vào bắt giúp dân, riết rồi thành cái nghề khi nào không hay", ông Bình kể rồi nói thêm, thời gian đầu, ông bị ong chích lên bờ xuống ruộng. Tuy nhiên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hơn nữa ông còn lên mạng học thêm các kỹ năng, nên đến giờ việc bắt và thuần ong đã khá thành thạo.
Mỗi lần bắt ong, ông Bình đều săn tìm ong chúa rồi mang cả tổ về nhà nuôi. Đến nay, xung quanh vườn nhà ông đã có 30 thùng ong rừng được thuần. Thức ăn của chúng là mật ngọt của tự nhiên. "Ong chủ yếu hút mật hoa sầu riêng. Việc này cũng giúp cây sầu riêng được thụ phấn tốt hơn", ông Bình nói rồi hồ hởi cho biết, làm chơi mà ăn thiệt, hiện mỗi năm ông vắt được khoảng 60 lít mật. Với giá bán 500.000 đồng/lít, mỗi năm ông kiếm thêm vài ba chục triệu đồng.
"Khách của tui là chòm xóm, người quen không à. Ong nuôi cho hút mật tự nhiên nên bà con thường dặn ít chai để dành sử dụng quanh năm", ông Bình nói. "Lỡ ong hút mật từ những vườn cây đã "tắm" các loại thuốc hóa học thì sao?", nghe chúng tôi thắc mắc, ông Bình cười giải thích, nếu ong ăn trúng mật của hoa đã phun xịt thuốc trừ sâu, thì sẽ chết ngay sau đó. Việc này cũng khiến không ít đàn ong của ông Bình tan rã.
Ông Bình khẳng định, ngoài việc nuôi ong vì sở thích, đam mê, ông còn muốn có những chai mật tự nhiên để gia đình và cả những người quen, xóm giềng có sản phẩm sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe.
Bình luận (0)